Lau dọn bàn thờ ngày tết là công việc được coi trọng để chào đón năm mới. Với nhiều gia đình, việc lau dọn bàn thờ ngày tết là hết sức quan trọng và cần lưu ý không dịch chuyển bát nhang. Điều này có đúng không?
Cách lau dọn bàn thờ, bày biện bàn thờ ngày tết
Bày biện bàn thờ thế nào?
Chúng ta vẫn thường nghe nói "đông bình, tây quả" khi tìm về cách sắp xếp, bày biện bàn thờ. Nhưng xác định đông – tây thế nào, làm sao cho dễ nhớ thì không phải ai cũng biết.
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho biết, sở dĩ có câu nói trên là vì những ngôi chùa, từ đường hay nơi thờ đa số nhìn về phương nam. Nếu xuất phát từ bên trong nhìn ra, đông là bình - tức là bình hoa, tây là quả - tức là đặt trái cây.
Nói dễ hiểu, từ trong bàn thờ nhìn ra, chúng ta đặt hoa phải đặt bên trái, trái cây ở bên phải, chính giữa để bát nhang. Hai bên bàn thờ để cặp lư đồng, thắp ngọn nến sáp lên, để thêm 2 ly nước và nếu có thể thì thêm chuông mõ.
Thượng tọa cho rằng, ở trong nhà Phật có 6 lễ để dâng lên bàn thờ hay còn gọi là lục cúng dường gồm: hương, hoa, đăng, đồ, quả, nhạc.
Trong đó, hương tức là thắp hương, trầm thơm. Hoa là hoa để cắm, trưng lên bàn thờ. Đăng là ngọn đèn. Đồ là một từ cổ chỉ chung chè, xôi, bánh, trái, nước, trà. Quả là trải cây và nhạc là nhạc lễ là những câu ngân nga, những bài tụng kinh.
Nhưng hiểu theo cách khác, "lục cúng dường" ở trên còn phải được biểu hiện nơi tâm thức của mỗi người. Sư thầy Trí Chơn phân tích: "Hương là nói đến sự thơm thảo, phẩm chất đạo đức của mỗi con người. Hoa là lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ. Đăng là đèn là ánh sáng trí tuệ, nhận thức. Đồ là những cái gì mình biểu hiện, thể hiện được sự kính trọng. Quả là những cái ngon ngọt nhất. Nhạc là những gì đẹp đẽ nhất như lời ái ngữ, những điều tôn vinh nhất thì mình cúng cho Đức Phật, cho tiên tổ của mình. Tất cả những thứ mình bày biện cho dù là thịnh soạn mà trái tim mình không có, tấm lòng mình không có thì lễ kia gần như không có ý nghĩa lắm".
Theo Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, người Việt vốn quan niệm, suốt 3 ngày nhang không được tắt, đèn luôn luôn sáng vì cho suốt 3 ngày này chư Phật, ông bà có mặt cho mình nên nhang không được tắt mà phải nối tiếp.
"Người Việt tin rằng không được để nhang tàn khói lặng trong 3 ngày tết, mà lo lắng khi đi ngủ hay khi có việc đi ra ngoài, nhang ngắn quá sẽ bị tắt nên người ta làm nhang vòng để nhang cháy được lâu", thượng tọa Trí Chơn chia sẻ.
Bát nhang có được dịch chuyển?
Dù có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn có gia đình giữ quan niệm rằng khi thắp nhang mà tàn nhang phải càng cong mới càng có lộc, không được lau bàn thờ vì "sợ động". Thượng tọa Thích Trí Chơn cho rằng quan niệm này là do chúng ta đang đồng hóa lư hương với đối tượng thờ.
Vị thượng tọa giải thích, thực ra về mặt ý nghĩa, bát nhang không khác với bó hoa, đĩa trái cây hay ngọn nến trên bàn thờ. Vì vậy, khi nước đục chúng ta thay, hoa héo thay hoa mới thì bát nhang cũng phải giữ cho gọn gàng.
"Có những nhà để bát nhang quanh năm, chân nhang cắm lên liên tục, tàn nhang rơi rớt hoặc cong ở trên bát nhang… Điều này có thể gây ra những bất cập hỏa hoạn. Theo tôi, nhà ít cắm nhang thì mỗi nửa tháng rút chân nhang, lau dọn bàn thờ cho kỹ. Nếu thắp nhanh mỗi ngày 2 lần thì rút chân nhang, lau dọn bàn thờ mỗi tuần. Còn nếu chúng ta siêng nữa thì có thể lau chùi bàn thờ, bát nhang mỗi ngày. Điều này thể hiện văn minh tôn kính, chúng ta không nên sợ này sợ kia để rồi bàn thờ nhìn không được đẹp, tàn nhang rớt xuống đĩa lễ. Hãy cứ dọn cho thật đẹp, gọn gàng", thượng tọa Thích Trí Chơn đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)