Lấy đâu ra 9,1 tỉ USD mua máy bay?

01/10/2013 09:00 GMT+7

Bất ngờ đặt hàng 100 máy bay (đặt mua 92 chiếc và thuê 8 chiếc) với giá trị giao dịch lên đến 9,1 tỉ USD, VietJetAir trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Lấy đâu ra 9,1 tỉ USD mua máy bay ?
VietJetAir vừa đón nhận chiếc máy bay A320 Sharklet thế hệ mới - Ảnh: Mai Vọng

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên hôm qua, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành hãng hàng không này, cho biết:

“Trong tuần này, chúng tôi sẽ chuyển số tiền đầu tiên cho đối tác Airbus. VietJetAir đã có sự chuẩn bị cho việc này từ 4 - 5 năm trước, với những kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Mong muốn của VietJetAir là có được một hãng hàng không cho nhiều người dân VN được sử dụng đồng thời trở thành một hãng được yêu thích tại VN và khu vực. Chúng tôi đang hiện thực hóa kế hoạch đó, để trong 10 năm nữa có thể đạt được mục tiêu.

Nhiều người nghĩ chúng tôi ký chơi. Không có chuyện đó trong hoạt động thương mại quốc tế. Những thỏa thuận như thế này, khi đã ký là phải có xem xét, thẩm định kỹ càng và có những cam kết từ 2 phía. Phía Airbus thì cam kết đến ngày đến hạn là phải giao máy bay cho chúng tôi theo đúng kế hoạch và phía VietJetAir thì cam kết trả tiền theo những thỏa thuận thanh toán mà 2 bên đã đồng ý với nhau, rất rõ ràng và rành mạch”.

Điều mà nhiều người quan tâm đó là khoản tiền lên đến 9,1 tỉ USD. VietJetAir có nguồn tiền ở đâu?

Xin nói rõ là thỏa thuận với Airbus là nhận máy bay theo từng quý, từng năm, tiến độ thanh toán rải đều trong 9 năm, chứ không phải cùng một lúc. Về nguồn tài chính, VietJetAir đã chuẩn bị rất kỹ hết tất cả các phương án trước khi đặt bút ký thỏa thuận. Nguồn tài trợ, nhiều chuyên gia vẫn cứ nghĩ là phải đi gõ cửa các ngân hàng để vay tiền, lấy tài sản của công ty ra để đảm bảo cho khoản vay. Không có tài sản nào của VietJetAir có thể đảm bảo để đi vay đến hơn 9 tỉ USD.

Vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% trong gói tài trợ mua máy bay; còn lại phần lớn là từ nguồn tài trợ tín dụng xuất khẩu của các nước. Muốn xuất khẩu máy bay, chính phủ các nước sản xuất máy bay sẽ tìm đến những hãng như VietJetAir để khảo sát mức tín nhiệm, khả năng sinh lời của dòng tiền như thế nào, để rồi bảo lãnh hoặc cho mình vay tiền để mua máy bay. Ngoài ra, còn có các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, hoặc hình thức khác như bán và thuê lại và có thể từ nguồn khác, cũng đang xem xét là từ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - PV). Các nguồn tài trợ đó bây giờ đã nằm trong kế hoạch tài chính của VietJetAir, chủ yếu sẽ là các nguồn vốn nước ngoài vì chi phí lãi vay thấp hơn ở VN. Thông lệ cho vay mua máy bay đã phổ biến trong giới tài chính quốc tế và nhiệm vụ của chúng tôi là chọn nguồn nào phù hợp nhất, tốt nhất cho mình.

Hiện đã có nhiều cam kết rất mạnh từ nguồn tín dụng xuất khẩu của các nước. Rồi có những cam kết từ các ngân hàng trong nước và ngoài nước,  ngoài nước nhiều hơn. Còn có những cam kết từ các nhà tài chính dưới hình thức mua và thuê lại. Nguồn IPO có thể ở giai đoạn sau, trong khoảng từ 18 - 42 tháng nữa và nguồn này gần như nằm trong tầm tay.  

Vậy là tin đồn “có đại gia” đứng đằng sau tài trợ cho thương vụ này không chính xác?

Đến giờ này thì chưa có đại gia nào cả, mà từ các nguồn tôi đã nói ở trên.

Kế hoạch tiếp nhận 100 chiếc máy bay này như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi sẽ tiếp nhận trong vòng 8 năm, từ năm 2014 - 2022, trung bình mỗi năm từ 5 -10 chiếc.

Cám ơn ông.

Chính phủ VN không bảo lãnh

Đây là thông tin được Đại sứ Pháp tại VN Jean-Noël Poirier cho biết trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 30.9. Nguồn tài chính cho hợp đồng sẽ được thu xếp từ nguồn vốn tự có của VietJetAir và vốn vay từ các ngân hàng trong nước và quốc tế, ông Jean-Noël Poirier nói. Ông cũng cho biết phía Pháp rất hài lòng với thỏa thuận này vì nhờ đó Airbus tiếp tục củng cố vị trí vững chắc tại thị trường VN cũng như tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực tăng trưởng hàng không vào hàng cao nhất trên thế giới. Việc đàm phán thỏa thuận giữa Airbus và VietjetAir diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ mất vài tháng.

Trường Sơn

Kế hoạch tài chính “khó hiểu”

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Mỹ cũng như châu Âu đều có chương trình tài trợ tín dụng để khuyến khích hàng xuất khẩu. Nhưng điều kiện để được tài trợ là hàng xuất khẩu phải sử dụng trên 50% nguyên phụ liệu và dịch vụ của nước sở tại. Đối với việc sản xuất một máy bay thì chưa chắc đáp ứng được điều kiện này khi nhiều bộ phận được sản xuất, gia công ở nhiều nước khác nhau. Điều quan trọng nhất là phía cho vay sẽ xem xét khả năng hoàn trả khoản nợ trong tương lai. VietjetAir là một hãng hàng không mới đi vào hoạt động chưa lâu và thị trường tại VN đang cạnh tranh khá gay gắt. Vì vậy lợi nhuận hằng tháng để trả nợ vay sẽ là một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp này. Trong trường hợp phát hành cổ phiếu, nếu thuyết phục được người đi vay góp vốn vào công ty thì e rằng đơn vị cho vay sẽ coi như mua trọn gói hãng này. “Số tiền vay này lên đến 8 - 9% GDP của VN. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay, để tìm được tổ chức tài chính trong nước thu xếp nguồn vốn lớn như vậy rất khó. Nếu vay nước ngoài thì thông thường cũng phải có bảo lãnh của một tổ chức khác, không kể lấy tài sản đảm bảo là số lượng máy bay sẽ mua. Tôi thấy hơi khó hiểu”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia tài chính Lê Thẩm Dương cũng cho rằng phương án thu xếp vốn này không khả thi. Đối với một khoản tiền cho vay trị giá hàng tỉ USD, các tổ chức tài chính nước ngoài đều phải nắm được nguồn đảm bảo thanh toán khá chắc chắn. Chẳng hạn như khi các tổ chức tài chính cho Vinashin vay tiền thì họ đã có sự bảo lãnh của Chính phủ VN. Trong khi đó, với dự án đường bay giá rẻ tại VN chưa phát triển mạnh thì khả năng khai thác hết công suất để tạo ra hiệu quả của 100 máy bay mới sẽ không cao. Và do đó càng khó để chứng minh được khả năng trả nợ khi đi vay.

Mai Phương

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.