Cha mẹ tôi có 3 người con, năm 2009 mẹ tôi mất nhưng chưa chia phần tài sản thừa kế. Trước khi chết, mẹ tôi còn nợ tiền của một người, do gia đình tôi chưa trả nên họ đòi kiện ra tòa.
Cha của tôi đề nghị các con chuyển quyền sở hữu phần tài sản mà chúng tôi được thừa kế từ mẹ cho ông đứng tên để tiện giải quyết trước tòa. Lúc đó chỉ nghĩ việc chuyển nhượng tài sản là như vậy nên chúng tôi tin tưởng không đọc giấy tờ mà ký tên. Sau này chúng tôi phát hiện trong giấy tờ ghi tự nguyện cho, tặng tài sản không điều kiện. Như vậy chúng tôi xin hỏi có thể lấy lại phần tài sản đã ký chuyển nhượng cho cha của chúng tôi khi ông có vợ mới được không? (Một bạn đọc)
Điều 637 bộ luật Dân sự quy định: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế.
Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo đó, trường hợp trên, khi mẹ của bạn chết, thì những người thừa kế của mẹ (hàng thừa kế thứ nhất, gồm: cha của bạn, 3 người con, và ông ngoại, bà ngoại của bạn - nếu còn sống) có trách nhiệm thực hiện việc trả nợ trong phạm vi di sản do mẹ bạn để lại.
Thay vì phân chia di sản, sau đó mỗi người sẽ góp lại để trả nợ, thì cha của bạn đã yêu cầu các con chuyển quyền sở hữu tài sản thừa kế để ông đứng tên và tự chịu trách nhiệm về việc trả nợ… đây cũng là cách giải quyết hợp tình, hợp lý.
Về mặt pháp lý, nếu thủ tục khai nhận di sản, tặng cho tài sản thừa kế đã được công chứng, trước bạ, đăng ký sang tên hợp lệ, đúng luật và việc tặng cho tài sản này không có điều kiện, thì bạn không thể lấy lại phần tài sản đã chuyển nhượng cho cha của bạn được.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
Bình luận (0)