Chỉ phạt người "cô thế"!?
Sáng 15.10, chị Trần Thị Bích P., tạm trú quận Thủ Đức (TP.HCM), chở cam đi bán dạo trên xe đạp. Đến đường Cống Quỳnh, Q.1 thì bị lực lượng quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) lập biên bản, xử phạt. Hai trật tự viên, người giữ xe đạp, người tháo sọt cam ra trả lại, rồi khiêng chiếc xe đạp lên xe ô tô chở về trụ sở QLTTĐT. Chị P. sau đó bỏ nguyên sọt cam xuống lề đường tiếp tục... thản nhiên bán. Còn đội QLTTĐT lên xe tiếp tục hành trình. Chứng kiến cảnh chị P. bị phạt, một chị bán trái cây dạo buông lời bâng quơ: "Chỉ phạt người cô thế". Nói rồi, chị này vội vã đạp xe đi nơi khác để tránh bị phạt.
Chuyện buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông, thậm chí là tác nhân gây tai nạn giao thông, cần phải xử phạt nghiêm. Nhưng cách hành xử của các lực lượng kiểm tra, xử phạt nhiều khi gây bức xúc cho chính những người bị phạt và cả người chứng kiến. Không thể nói nhận xét của chị bán trái cây dạo là đúng hoàn toàn, nhưng những ngày chúng tôi đi ghi nhận thực tế thấy rất nhiều lần các lực lượng chức năng như QLTTĐT, cảnh sát trật tự và cả công an phường hình như chỉ tập trung xử phạt những người buôn thúng bán bưng, bán hàng rong...
Cuối năm 2005, Thanh Niên có bài phản ánh và sau đó tình hình có được chấn chỉnh bằng cách "bãi xe trên đường Chu Mạnh Trinh chuyển từ vỉa hè bên này qua vỉa hè bên kia đường", còn những bãi khác đâu vẫn vào đó. Ngay trong những ngày đầu tháng 10, khi cả thành phố "sốt ruột" vì kẹt xe, ùn tắc giao thông, trong các cuộc họp lãnh đạo thành phố "truy" lãnh đạo Q.1 và một số quận trung tâm về tình trạng lòng lề đường bị "xẻ thịt", thì gần chục bãi xe nơi đây vẫn nhộn nhịp, 2-3 hàng xe máy chất ra kín hết vỉa hè. Người đi bộ phải xuống "trộn" dòng cùng các phương tiện giao thông cơ giới!
Sáng 12.10, một chị bán sữa đậu nành trên đường Nguyễn Trãi, Q.1 (gần siêu thị Citymart) bị QLTTĐT tạm giữ xe mang về đội giải quyết, trong khi xe máy của các cửa hàng kinh doanh gần đó vẫn vô tư lấn chiếm vỉa hè. Ngay trường hợp chị P. bị phạt nói trên, sau khi xử phạt xong, xe của Đội QLTTĐT chạy qua chợ Nguyễn Thái Bình, hàng quán bán tràn ra lề đường nhưng không thấy dừng lại xử lý!
Kết quả kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTTĐT Q.1 thời gian qua cũng phản ánh phần nào thực trạng nói trên. Cụ thể, theo ông Thái Đức Độ, Đội trưởng Đội QLTTĐT Q.1, nếu trong tháng 9.2007 Đội cùng lực lượng QLTTĐT 10 phường xử lý hơn 7.700 vụ vi phạm trật tự lòng lề đường, thì có đến hơn 3.700 vụ thu gom, xử lý bàn ghế, thau chậu... của người buôn bán vỉa hè!
Cơ quan phạt "lấn chiếm" cũng lấn chiếm
Kiểu lấn chiếm vài cái dù, vài cái ghế ra vỉa hè như thường thấy trên nhiều tuyến đường, hay ở chợ tại TP.HCM là quá bình thường. Dư luận bức xúc là rất nhiều những điểm lấn chiếm lòng lề đường quy mô như lập cả bãi giữ xe tràn hết vỉa hè, đậu xe lấn hết vỉa hè và tràn ra nửa phần đường dù nhan nhản trước mắt mà không thấy bị xử phạt.
Thậm chí, nhiều "địa chỉ đen" được báo chí nêu suốt những năm qua, nhìn bằng mắt thường ai cũng có thể thấy sự vi phạm trắng trợn, ấy vậy mà vẫn tồn tại một cách thản nhiên. Đường Nguyễn Du, đoạn từ Hai Bà Trưng đến Tôn Đức Thắng, và khu vực đường Chu Mạnh Trinh với gần chục bãi giữ xe 2 bánh trên vỉa hè là một minh chứng.
Nhưng hình ảnh gây phản cảm nhất có lẽ là tình trạng lấn chiếm lòng lề đường của chính các cơ quan công quyền chuyên kiểm tra, xử phạt người vi phạm. Hai hình ảnh chúng tôi ghi nhận rõ nét nhất là khu vực lòng lề đường trước trụ sở Công an phường Bến Thành, xe máy chất kín vỉa hè suốt từ sáng đến chiều; nghiêm trọng hơn, trước trụ sở Công an phường Phạm Ngũ Lão Q.1 không chỉ chất kín hết vỉa hè mà xe máy còn lấn luôn một phần lòng đường. Trước cửa cơ quan công quyền còn vậy nên trên nhiều tuyến đường lân cận, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, xe máy lập thành bãi đậu kín hết vỉa hè là không có gì đáng ngạc nhiên!
Quận lỡ cấp phép, thành phố phải... chờ?
Bức xúc trước tình trạng lòng lề đường khu trung tâm bị lấn chiếm trắng trợn, trong kế hoạch giảm ùn tắc, tai nạn giao thông vừa được UBND thành phố ban hành nêu rõ: Giao chủ tịch UBND quận - huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh ngay tình trạng trật tự lòng lề đường, vỉa hè thuộc địa bàn mình quản lý; kiên quyết không cho phép và không tiếp tục cấp phép sử dụng vỉa hè, lề đường để kinh doanh buôn bán, giữ xe... Buộc các nhà hàng, quán ăn có chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh hoặc tổ chức giữ xe phải trả lại (vỉa hè) cho giao thông trước ngày 15.10.2007. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND thành phố nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Trên vỉa hè đường Lê Lợi |
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên trưa 15.10, tức thời hạn phải trả lại vỉa hè cho giao thông, ông Thái Đức Độ cho biết quận có 880 quán hàng ăn uống, cao ốc văn phòng cho thuê... có sử dụng lề đường để xe, giữ xe, trong đó có hơn 500 trường hợp được UBND quận 1 cấp phép sử dụng tạm lề đường để kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của thành phố và quận từ tháng 9.2007 không gia hạn, cấp mới giấy phép tạm sử dụng lề đường, trong tháng 9.2007 vừa qua QLTTĐT quận đã kiểm tra, xử lý rút giấy phép khoảng 300 trường hợp đã hết hạn hoặc vi phạm nghiêm trọng; còn 200 trường hợp giấy phép chưa hết hạn và giấy phép gia hạn mới nhất vào tháng 8, tức phải đến tháng 1-2.2008 mới chấm dứt. "Những trường hợp này chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ rút giấy phép. Còn không thì chờ... chỉ đạo của quận" - ông Độ nói và cho biết thêm kế hoạch kiểm tra sẽ tập trung vào các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, tiếp đó là các điểm "nóng" ùn tắc giao thông và việc kiểm tra sẽ bắt đầu từ... 15.10?!
Nói theo cách của ông Độ, dư luận có thể hiểu lại sắp có một đợt ra quân mới với những quyết tâm mới. Nhưng kết quả đến đâu thì còn phải chờ vì thực tế thời gian qua đã có rất nhiều những đợt ra quân như thế mà kết quả thì chỉ sau một thời gian "đâu lại vào đó". Liệu kết quả đợt ra quân có đạt được khi mà lực lượng kiểm tra, xử lý vẫn hành xử thiếu nghiêm minh, công bằng, thậm chí còn hiển nhiên vi phạm như thực tế đang diễn ra?
Minh Đức - Hoài Nam
Bình luận (0)