Trao đổi nhanh với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND thị xã La Gi kiêm Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết:
- Dinh Thầy Thím có từ năm 1879 (năm Tự Đức thứ 32) xuất phát từ sự tín ngưỡng của người dân phố biển Hàm Tân, La Gi. Từ lâu, lễ hội dinh Thầy Thím đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo của đông đảo người dân. Tương truyền rằng, đây là nơi thờ hai vị thần huyền thoại là Thầy và Thím có nhiều công đức giúp dân nghèo, từng được ngư dân ngưỡng mộ. Người dân đến lễ hội dinh Thầy Thím mong muốn tìm được sự bình an, ban phúc lộc của Thầy - Thím, nên từ hàng trăm năm nay đã trở thành truyền thống văn hóa rất đặc trưng của tỉnh. Năm 1997, dinh Thầy Thím chính thức được công nhận là Khu di tích văn hóa cấp quốc gia nên đã được địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, sửa sang dinh miếu. Từ đây, du khách các nơi đổ về tham dự lễ hội mỗi năm một đông hơn.
* Lễ hội dinh Thầy Thím năm nay có gì khác so với mọi năm?
- Ông Nguyễn Văn Sơn: Lễ hội dinh Thầy Thím năm nay là dịp để La Gi quảng bá hình ảnh về một thị xã ven biển vừa mới thành lập. Tỉnh giao cho thị xã La Gi đứng ra tổ chức với quy mô lớn hơn nhiều so với mọi năm. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng cho việc khai lễ và đón khách thập phương. Năm nay, lễ hội chính thức được khai mạc vào ngày 3/11 (tức 13 âm lịch) với việc trưng bày các sự tích đóng thuyền của Thầy và một hội chợ ẩm thực hoành tráng. Hôm nay 4/11 sẽ là lễ Nghinh Thần có diễu hành xe hoa, biểu diễn lân sư rồng và lễ Nhập điện an vị; đặc biệt sẽ có một phòng khám bệnh từ thiện ngay tại dinh Thầy. Buổi tối sẽ có chương trình sân khấu hóa sự tích Thầy Thím. Ngày rằm tháng chín sẽ tổ chức các cuộc thi thố biểu diễn lân sư rồng giữa các câu lạc bộ; hát chèo bá trạo; giỗ tiền hiền, cúng binh gia ngay tại dinh và nhiều hoạt động văn hóa thể thao khác.
Quế Hà
(thực hiện)
Bình luận (0)