(iHay) Lễ hội đường phố Rio de Janeiro được Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là lễ hội lớn nhất thế giới với 2 triệu người tham dự mỗi ngày, trong khi lễ hội đường phố ở Oruro-Bolivia được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của thế giới bởi nó thấm đẫm sắc màu La Tinh và đã xuất hiện ở quốc gia này trên 200 năm.
Những ngày tháng 2, lang thang qua các thành phố khác ở Bolivia trước khi đến Oruro, những tiếng pháo lẹt xẹt, những tiếng trống dồn cùng với điệu kèn saxophone nhộn nhịp xuất hiện rải rác trên đường phố luôn khiến tôi phấn khích khi nghĩ về lễ hội đường phố Oruro, lễ hội diễn ra từ ngày 6 đến 9.2 hàng năm.
Đúng như dự đoán, khách sạn ở Oruro đã không còn chỗ trống và nếu còn, giá phòng đã tăng gấp 5 lần. Những chuyến xe khách từ các tỉnh thành lân cận liên tục cập bến làm tắc nghẽn giao thông. Trong cái lạnh của đêm, các bạn trẻ vẫn reo hò ca hát làm không khí lễ hội dường như bùng nổ dù chưa chính thức khai mạc. Tôi cùng nhóm lữ khách không tìm được nhà trọ đành qua đêm tạm ở hành lang của bến xe trung tâm.
Lễ hội đường phố hay Carnival có nguồn góc từ Ý và liên quan đến Ki Tô Giáo. Nó thường được diễn ra trong tháng 2 và đầu tháng 3 trước “Mùa Chay” với ý nghĩa là chào đón một mùa xuân khi mùa đông đi qua và bắt đầu một mùa vụ mới nhiều thuận lợi. Thời điểm tổ chức tùy thuộc vào nhà thờ Ki Tô Giáo trong vùng tính theo lịch riêng. Carnival bắt đầu lan tỏa từ Ý đến các quốc gia lân cận như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Lễ hội đường phố còn có ý nghĩa là chào đón năm mới.
|
Những người Tây Ban Nha đã đến vùng đất Nam Mỹ vào những năm thế kỷ 17 để tìm kiếm thuộc địa và họ đem văn hóa lễ hội đường phố đến đây. Trong những ngày tháng 2, các quốc gia Nam Mỹ như Colombia, Ecuador, Argentina, Brazil, Uruguay, Peru nhộn nhịp tưng bừng sống trong không khí lễ hội đường phố. Lễ hội đường phố Rio de Janeiro được kỷ lục thế giới ghi nhận là lễ hội lớn nhất thế giới với 2 triệu người tham dự/ngày, nhưng lễ hội đường phố ở Oruro-Bolivia và lễ hội đường phố ở Colombia được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của thế giới bởi nó thấm đẫm sắc màu La Tinh và đã xuất hiện ở 2 quốc gia này trên 200 năm.
Những người bạn Bolivia đã kể cho tôi nghe truyền thuyết về Oruro mà thành phố này được ví von là hơi thở văn hóa của người Bolivia với những lễ hội được tổ chức quanh năm. Năm 1756, đức Mẹ Maria đã hiển linh trên vùng đất mà sau đó người ta tìm thấy mỏ bạc nằm phía dưới và được khai thác cho đến ngày nay. Để thành kính công ơn Đức Mẹ, chính phủ Bolivia quyết định chọn Oruro là thành phố văn hóa với lễ hội đường phố được tổ chức hàng năm nơi đây và lễ hội có tên Virgen de la Candelaria hay Virgin of Socavón. Mọi hoạt động của lễ hội đều diễn ra xung quanh nhà thờ chính của mỏ bạc.
Mặt khác, trong thời cổ đại, Oruro vốn dĩ đã là thành phố tâm linh của người cổ xưa sinh sống quanh dãy núi Andes chạy dài qua các quốc gia Peru, Colombia, Ecuador và Bolivia khi ngọn núi Uru của vùng đất Oruro có đến 5 con vật tâm linh hiện diện nơi đây. Trong đó có rắn vàng, thằn lắn núi, ếch độc với nhiều sắc màu trên da, đại bàng và báo gấm. Những nẻo đường tâm linh đều dẫn đến Oruro để cầu nguyện và cúng bái trong thời cổ xưa. Khi hoàng đế Inca xâm chiếm vùng đất này, ông vẫn chọn Oruro là thành phố tâm linh của những người Andean. Lễ hội đường phố ở Oruro đã xuất hiện trong thời cổ đại với ý nghĩa tạ ơn các vị thần linh của dãy núi Andes đã giúp cho họ có sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc. Khi người Tây Ban Nha đến đây, lễ hội còn có thêm ý nghĩa tạ ơn Chúa Trời cũng như Đức Mẹ Maria đã giúp họ tìm thấy mỏ bạc. Lễ hội thường được tổ chức 40 ngày trước Lễ Phục Sinh.
Tiếng kèn saxophone réo rắt hòa lẫn trong tiếng trống rền vang đã chính thức khai mạc lễ hội đường phố ở Oruro. Lễ hội bao gồm 2 phần chính: phần trình diễn của các đoàn đến từ tỉnh thành khác của Bolivia và phần trình diễn chuyên nghiệp của các vũ đoàn từ các thành phố lớn. Phần trình diễn của các vũ đoàn chuyên nghiệp qua 2 vũ điệu Llama llama và Diablada giúp du khách phần nào hiểu được văn hóa của những người Andean cổ xưa sinh sống trên dãy núi Andes. Những vũ điệu Inkas hay Kantu kể về nền văn minh Inca khi họ đến đây xâm chiếm vùng đất Oruro. Putulu hay Pukllay lại là những vũ điệu biến tấu từ các vũ điệu chính Llama llama và Diablada mà chỉ xuất hiện ở những vùng thung lũng xanh tươi hoa trái như Cochabamba, Tarija và Chuquisaca.
Sống trong dòng năng lượng của tình yêu ca hát, nhảy múa và sự vui tươi hào hứng của lễ hội tại Oruno, dẫu chỉ vỏn vẹn 4 ngày nhưng cũng khiến du khách nhớ mãi và đợi chờ mùa sau để được "đến hẹn lại lên".
|
|
|
Bình luận (0)