Lê Lam qua góc nhìn của người bên kia chiến tuyến

28/03/2017 06:05 GMT+7

Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương, do họa sĩ David Thomas - một lính Mỹ từng tham gia chiến tranh tại VN, sáng lập vừa tổ chức thực hiện cuốn sách về sự nghiệp của một trong những họa sĩ thời chiến tiêu biểu "phía bên kia": Lê Lam.

Cuốn sách mang tên Lê Lam - Những phác thảo từ miền Nam vừa hoàn thành, viết song ngữ Anh - Việt, do Indochina Arts Partnership (Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương - IAP) xuất bản, in tại Mỹ. Hiện cuốn sách đang tiếp tục được gây quỹ để in thêm nhiều bản nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng Mỹ và VN.
Sách viết về sự nghiệp của họa sĩ Lê Lam, đồng thời giới thiệu những bức vẽ, tranh áp phích, bức ký họa phong cảnh, chân dung con người, chiến sĩ, cảnh sinh hoạt, chiến đấu… tiêu biểu của ông. Trong đó, người xem thấy được lối vẽ hiện thực với khả năng quan sát tinh tường, tay bút linh hoạt của Lê Lam. “Nói về hội họa hiện thực, Lê Lam có những quan điểm rõ ràng. Ông cho rằng hiện thực không chỉ là tả thực đơn sơ, tự nhiên chủ nghĩa. Mà hiện thực phải thể hiện được tính cách dân tộc, con người VN, bản sắc văn hóa và lịch sử đất nước”, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương nhìn nhận.
Cũng trong cuốn sách, nhiều câu chuyện xung quanh những tác phẩm nổi tiếng của Lê Lam được kể lại. Chẳng hạn, bức Dừng lại với hình ảnh người phụ nữ lồng lộng hiên ngang trên nền trời như tấm lá chắn kiên cường trước xe tăng và máy bay địch được ông vẽ từ sự cảm phục nhân vật chị Tư Cào - người đã xông ra ngăn xe tăng địch đang định nghiến nát những cánh đồng lúa sắp gặt. Bức tranh áp phích Bảo vệ chính quyền nhân dân do Lê Lam sáng tác được in 18 vạn bản truyền đi khắp VN và thế giới để tuyên truyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN. Họa sĩ Lê Lam kể, có những xưởng in tranh được đặt ngay tại vùng kháng chiến để in truyền đơn, in tranh. Ông có thể sử dụng mực tại xưởng in để vẽ, nhưng cũng có khi dùng mực vẽ được mua ở chính vùng địch.
“Tôi đã quá may mắn khi có thể sống sót qua cuộc chiến và sống được đến bây giờ để nhìn thấy cuốn sách viết về mình mà người bạn Mỹ David đã dành tặng”, họa sĩ Lê Lam xúc động nói.
Họa sĩ Lê Lam (trái) cùng họa sĩ David Thomas trong ngày gặp lại
Bìa sách Lê Lam - Những phác thảo từ miền Nam ẢNH: ANH TUẤN
"Những lời nói thật nhất về cuộc chiến"
Lê Lam là bí danh của họa sĩ Vũ Quốc Ái. Ông là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật VN (1950 - 1954) do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng ở Chiến khu Việt Bắc. Khóa học ấy sau này vẫn được mọi người gọi là “khóa kháng chiến”. Năm 1958, Lê Lam trở thành nghệ sĩ VN đầu tiên được cử sang Liên Xô học kỹ thuật vẽ tranh tuyên truyền tại Trường Mỹ thuật Kiev. Trở về nước vào năm 1964, chỉ một năm sau, họa sĩ Lê Lam thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên. Giữa lúc có giấy cử sang Liên Xô làm luận án phó tiến sĩ, Lê Lam đã quyết định tạm dừng việc học, rời xa gia đình ở miền Bắc để vào chiến trường miền Nam.
“Tôi nghĩ mình phải nhìn thấy sự thật, vẽ bằng sự thật, bằng đôi mắt của mình”, họa sĩ Lê Lam nhớ lại. Ông đã ở chiến trường miền Nam VN trong suốt 9 năm (1966 - 1975). Trong khoảng thời gian dài xa cách, có lúc gia đình Lê Lam tưởng rằng ông đã hy sinh. “Hàng nghìn bức tranh và ký họa của Lê Lam được thực hiện trong khoảng thời gian này giống như cuốn nhật ký chiến trường chân thực, một giai đoạn lịch sử được chép lại bằng tranh. Những tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị lớn với nền mỹ thuật mà cả lịch sử của đất nước”, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương nhận định.
Một cách tình cờ, họa sĩ David Thomas biết tới Lê Lam qua người con gái của ông - họa sĩ Bạch Liên. Người cựu binh Mỹ đã tham gia chiến tranh VN trong khoảng thời gian 1969 - 1970 nhớ lại: “Tôi ở trong nhóm kiến trúc sư xây dựng cầu tại Pleiku. Lúc rảnh rỗi tôi rất thích vẽ trẻ em VN. Hồi đó tôi mới lấy vợ và chưa có con, nhưng tôi hiểu rằng một trong những việc quan trọng nhất của cuộc sống là nuôi nấng những đứa trẻ, thế hệ tiếp nối. Nhưng tôi lại thấy thời thơ ấu của những đứa trẻ nơi này đang bị hủy hoại bởi chiến tranh”.
Họa sĩ David Thomas chia sẻ: “Tôi đã không vẽ bất cứ bức tranh nào về những người lính Mỹ. Bởi vậy, tôi rất kinh ngạc khi xem những bức vẽ bộ đội VN của Lê Lam. Ông gắn kết với từng nhân vật thể hiện trong bức tranh của mình bởi ông đã sống cùng họ. Chính vì vậy, những bức tranh tạo nên sự kết nối đặc biệt với cảm xúc người xem. Tính nhân văn và tính chân thực được đề cao trong những tác phẩm. Tôi đã rất giận dữ khi biết những người lính như tôi bị lừa dối về cuộc chiến tại VN và cả khi tôi được xem tranh của Lê Lam. Những người lính Mỹ như tôi khi xem tranh không còn nhìn thấy những người bộ đội trong tranh là kẻ thù mà thay vào đó là sự xúc động”.
Ông David Thomas đặc biệt ấn tượng với những bức vẽ về những người phụ nữ của Lê Lam. “Ông ấy đã vẽ những người phụ nữ thật can đảm, dũng cảm tham gia cuộc chiến. Những người phụ nữ thật xinh đẹp, đáng nhẽ tuổi xuân của họ không phải là ở chiến trường. Đó là một bi kịch, mà bi kịch này do chính đất nước của chúng tôi gây ra”, ông David Thomas nói. “Lê Lam cần được vinh danh, người Mỹ cần biết đến nhiều hơn những tác phẩm của ông”, người cựu binh Mỹ lý giải vì sao ông nóng lòng thực hiện cuốn sách về Lê Lam.
Lấy nghệ thuật hóa giải nỗi đau
Lê Lam - Những phác thảo từ miền Nam được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập IAP. Khi trở lại VN vào năm 1987, David Thomas nhận ra rằng những người dân VN vẫn phải chịu đựng lệnh cấm vận thương mại của Mỹ, trong khi nhiều người Mỹ không để ý đến điều này. Ông quyết định thành lập IAP để hóa giải mối quan hệ giữa hai nước thông qua nghệ thuật. Trong những năm qua, IAP đã hỗ trợ cho 50 nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật VN tham dự các chương trình trao đổi ngắn hạn, tổ chức các triển lãm của các nghệ sĩ VN tại Mỹ. Vừa qua, David Thomas đã xuất bản cuốn sách với chủ đề về chất độc da cam và dành toàn bộ tiền bán sách để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam ở VN. “Mới đây, tôi phát hiện bị mắc bệnh parkinson do di chứng của chất độc da cam. Tôi đã được nhận bồi thường. Trong khi đó, những người dân VN lại không nhận được bồi thường những tổn hại do chất độc da cam gây ra. Tôi đang cố gắng hết sức mình cùng mọi người đấu tranh để đòi lại công bằng cho những người bạn VN”, họa sĩ David Thomas chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.