"Anh Tấn ơi! Ngơ ngác khắp quân doanh/Sáng họp... tối đi... sao vội thế anh?/Đại hội chưa xong... anh lên đường/Như xưa kia Bác Hồ điện gấp/Vẫn như ngày nào suốt đời cập rập/"Chơ vơ dưới cửa ba nghìn khách/Lạnh lẽo trong lòng chục vạn binh"/Sáng như trời sang xuân/Tối như mùa đổi tiết/...". Bài thơ khóc bạn của kịch tác gia Tào Mạt đã phác họa chân dung bình dị của vị tướng lẫy lừng chiến công Lê Trọng Tấn, vị tướng mà cho đến tuổi bảy mươi vẫn mặc áo lính, vẫn chiến chinh trận mạc đúng như một nguyên soái, luôn đến nơi hòn tên mũi đạn bất cứ lúc nào Tổ quốc gọi. Cái chết quá bất ngờ của ông vào một thời điểm quan trọng khiến những bằng hữu và đồng đội ông càng ý thức rõ về khoảng trống mà ông để lại, cho dù trong suốt cuộc đời chỉ quan tâm mục tiêu duy nhất vì dân vì nước, ông quá bận rộn chuyện quân đến mức không còn thì giờ để nghĩ đến bản thân mình.
Sinh năm 1914 trong một gia đình trí thức, cha là thầy đồ nghèo mất sớm khi cậu vừa bảy tuổi, cậu học trò Trường Bưởi Lê Trọng Tố (tên khai sinh của ông) được ăn học bằng sự tần tảo của người mẹ thương con. Rất say mê võ nghệ và bóng đá, cậu được tuyển vào đội bóng đá của không quân Pháp. Sau đó, như tất cả thanh niên ưu tú của thế hệ mình, Lê Trọng Tấn đã nghe theo lời hiệu triệu của đất nước, gia nhập hàng ngũ những người cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Hai cuộc chiến tranh kéo dài nhiều thập kỷ của Việt Nam đã đào luyện nên nhiều danh tướng, nhưng không có ai như Lê Trọng Tấn: năm 1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách Đại đoàn trưởng đại đoàn 312 (sau đổi tên là Sư đoàn Chiến Thắng) đã đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy Mường Thanh, bắt sống tướng De Catries. Và mùa xuân năm 1975, ông lại là tư lệnh cánh quân phía đông đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, nhận sự đầu hàng của chính phủ Dương Văn Minh. Cái tên Lê Trọng Tấn gắn liền với danh hiệu Tướng trận giỏi nhất Việt Nam bắt nguồn từ những nguyên cớ ấy. Kể từ trận đầu tiên đánh Đông Quan - thành Hà Nội năm 1944 cho đến trận đánh ngày 1.7.1983 ở biên giới phía bắc, suốt 40 năm, Lê Trọng Tấn không một ngày rời bỏ trách nhiệm người vệ quốc quân.
|
Mưu trí nhưng thận trọng, ông luôn tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất cho binh sĩ. Với sĩ quan thuộc cấp, ông chân thành thương yêu nhưng không cho phép sai sót. Ông là vị tướng "biết dùng quân, luyện quân, nuôi quân, chỉ huy quân". Được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem là "người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết", ông còn được những sĩ quan cao cấp khác dành những lời lẽ đẹp nhất để ca ngợi: "trí-dũng-nhân-chính-liêm-trung", "rộng lượng và hào hiệp", "tài năng, cương trực", "đức độ, tài ba", "quyết đoán, nhân nghĩa", "người chỉ huy ưu tú, kiên cường, người thủ trưởng có tình thương chân thành, chăm sóc anh em với tình cảm của người anh, người mẹ"... Con trai duy nhất của ông, tiến sĩ hóa học Lê Đông Hải, luôn ghi khắc lời ông dạy dỗ: "Chỉ phục tùng chân lý chứ không phục tùng cá nhân hay cái gì khác, vì chân lý chỉ có một...".
Bằng bộ phim tài liệu 5 tập Lê Trọng Tấn - Vị tướng của những chiến trường nóng bỏng (phim tài liệu 5 tập TFS sản xuất, 2005), nữ đạo diễn Nguyễn Hải Anh đã vượt qua khoảng cách hơn nửa thế kỷ giữa hai thế hệ, để khắc họa thành công hình ảnh một tướng quân cả cuộc đời phải dâng trọn cho cuộc chiến nhưng vẫn giữ nguyên vẹn phẩm chất nhân nghĩa và trung hậu của con người Việt Nam truyền thống. Nguyễn Hải Anh đã làm được điều mà người ta chờ đợi ở lớp trẻ: biết trân trọng lịch sử, biết rút ra từ quá khứ những bài học cần thiết cho tương lai.
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)