'Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử': Một công trình trang nghiêm của sân khấu

Hoàng Kim
Hoàng Kim
01/10/2024 15:27 GMT+7

Thật sự là một đêm mãn nhãn dành cho khán giả. Cánh màn nhung khép lại mà mọi người vẫn không muốn về ngay, cứ nấn ná với nhau để chia sẻ niềm vui, rung động dành cho vở cải lương 'Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử'.

Vở cải lương Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, chuyển thể Võ Tử Uyên, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, Công ty TNHH Sự kiện Giải trí WE - Hoàng Hải Production sản xuất) mang cả hào khí phương nam và nỗi rưng rưng thương kính một bậc tiền nhân đã tận tụy với mảnh đất này.

'Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử': Một công trình trang nghiêm của sân khấu- Ảnh 1.

NSƯT Võ Minh Lâm vai vua Minh Mạng, Thy Phương vai Huệ phi

ẢNH: H.K

Tả quân Lê Văn Duyệt đã từng sát cánh bên vua Gia Long những ngày dựng nước, được Gia Long trao chức Tổng trấn Gia Định thành, vừa khai phá vùng đất mới phương Nam, an định muôn dân, vừa đánh tan các phiến quân luôn quấy rối và lăm le chiếm đất, xứng đáng là bậc công thần. Nhưng khi Gia Long mất, truyền ngôi lại cho Thái tử Đảm, lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng, thì Lê Văn Duyệt gần như bị "vô hiệu hóa"…

Minh Mạng không ưa Duyệt, nhưng vẫn cần ông giữ vững Gia Định. Vì vậy chờ đến khi Lê Văn Duyệt mất đi mới ra 9 án tử, cho người lấy xiềng xích bao quanh mộ Duyệt coi như trị tội. Nhưng lòng dân đã tôn kính tả quân, nên ngày đêm hương khói, ngợi ca. Mãi đến thời vua Thiệu Trị, xiềng xích mới được gỡ bỏ, và lăng mộ tả quân được xây dựng khang trang, thờ phượng ấm cúng cho đến ngày nay.

Bàn tay đạo diễn tuyệt vời của NSƯT Hoa Hạ

Câu chuyện lịch sử về Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử được gói gọn trong 3 tiếng đồng hồ và vô cùng hấp dẫn dưới bàn tay đạo diễn của NSƯT Hoa Hạ. Bà đúng là "nữ tướng" của cải lương, mỗi lần dựng vở là thổi vào đó một sức mạnh lạ kỳ. Vở diễn tiết tấu nhanh, giữ được nét truyền thống nhưng vẫn mang nét hiện đại, với nhiều chiêu thức, mảng miếng rất đẹp và sâu sắc.

Chẳng hạn, lớp diễn Lê Văn Duyệt xử tội Huỳnh Công Lý, khán giả thấy bàn tay của nghệ sĩ Hoàng Hải (vai Lê Văn Duyệt) vươn ra như móng vuốt của con hổ sắp vồ mồi, và trên phông nền hiện ra hình con bạch hổ nhe nanh uy dũng, chứ không phải hình con hổ nằm yên như lớp diễn trước. Lớp diễn chém đầu, các diễn viên đã sắp xếp đội hình rất hay, rất ấn tượng, nghệ thuật hóa đời sống thật là khéo léo thay cho tả thực.

Khi Huệ phi tác động tâm lý vua Minh Mạng, nhà vua phải đấu tranh tư tưởng dữ dội, thì khán giả thấy hai nhân vật này di chuyển khắp sân khấu và mỗi người đều thoại riêng, tiếng lồng vào nhau, chồng lên nhau, nhưng khán giả vẫn nghe rõ từng lời. Thế mới độc đáo.

Rất nhiều cách xử lý thông minh trong vở đã khiến người ta khâm phục nữ đạo diễn này, và dễ hiểu tại sao khi cần dựng vở khó, vở hoành tráng, thì người ta thường nghĩ đến Hoa Hạ.

Dàn nghệ sĩ trẻ kế thừa sự nghiệp cải lương

Có thể nói, hầu như trong vở thấy toàn nghệ sĩ trẻ, những thế hệ đang có độ chín của nghề, xứng đáng kế thừa sự nghiệp cải lương. Vai diễn nặng ký nhất giao cho Hoàng Hải (Lê Văn Duyệt) và Võ Minh Lâm (Minh Mạng) gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả, và có thể xem đây là "vai diễn để đời" của hai người.

'Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử': Một công trình trang nghiêm của sân khấu- Ảnh 2.

Hoàng Hải vai Lê Văn Duyệt, NSƯT Bảo Trí vai Huỳnh Công Lý

ẢNH: H.K

Hoàng Hải có giọng ca khỏe, tròn vành rõ chữ, lên nốt cao không bị hụt hơi, xuống nốt trầm không bị mờ chữ, và ca, diễn, vũ đạo trong suốt nhiều lớp dài mà vẫn giữ được nội lực đáng nể. Hoàng Hải từng tham gia diễn tuồng cổ nên vũ đạo của anh rất đẹp, làm vở diễn phong phú sinh động hơn. Gương mặt đẹp theo cách chính nhân quân tử nên vào vai trung dũng như Lê Văn Duyệt thì người ta "tin". Nhưng đến lớp diễn tâm tình với vợ (bà Đỗ Thị Phận) hoặc con nuôi (Lê Văn Khôi), hoặc người bạn tin cẩn (Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu), hoặc đau khổ khi thấy dân đói rách, thì giọng ca chuyển sang ngọt ngào, trữ tình rất hay. Hoàng Hải hoàn toàn chinh phục người xem.

NSƯT Võ Minh Lâm nhận vai Minh Mạng thật sự là một vai khó. Bởi Minh Mạng không phải con người đơn giản, và Võ Minh Lâm đã thể hiện xuất sắc, tinh tế những khí chất, nội tâm, suy nghĩ phức tạp của vị vua này. Minh Mạng có lý tưởng với đất nước, có năng lực quản lý rất giỏi đã mở rộng biên cương, có con mắt xanh nhìn ra tài năng và đạo đức của Lê Văn Duyệt, có sự cân nhắc chín chắn quyền lợi quốc gia, quyền lợi ngai vàng, có sự nhẫn nhịn đáng nể của một người mạnh lý trí, mạnh ý chí, và cả tự tin. Nhưng qua từng cái trợn mắt, từng nụ cười hiểm, từng cái nghiến răng, nắm chặt tay… cho thấy một sâu thẳm bên trong vẫn là bản ngã của một người bình thường, tự ái, lo lắng khi thấy dân thương Lê Văn Duyệt, ganh tị với người tài được ca tụng, thêm một chút sĩ diện đàn ông khi bị so sánh thắng thua. Huệ phi rất thông minh, nên càng đào sâu kẽ hở tâm lý này để trả thù cho cha. Võ Minh Lâm giọng ca biến hóa giỏi, có thể diễn đạt đủ mọi cung bậc tâm lý, điều không phải diễn viên nào cũng làm được. Anh khắc họa được nhân vật với đủ khía cạnh, đáng kính, đáng nể, đáng sợ.

Những nghệ sĩ khác như NSƯT Thy Trang (Đỗ Thị Phận), Thy Phương (Huệ phi), NSUT Bảo Trí (Huỳnh Công Lý), Trọng Hiếu (Trương Tấn Bửu), NSƯT Vân Hà (bà Tư Đờn) đều là những gương mặt quen thuộc với khán giả. Một số nghệ sĩ trẻ như Sơn Minh, Trúc Phương, Thanh Hải, Hữu Tài, Vũ Hùng, Thành Thuận… cũng ca diễn vững vàng, nghiêm túc. Thực sự đây là một ê kíp diễn viên phối hợp rất đẹp; và vở sử được xem là một công trình trang nghiêm của sân khấu mà mỗi người phải có tâm huyết mới làm nổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.