Từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ tiêm Pfizer ?
Theo Giáo sư (GS) Trần Văn Thuấn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương tìm nguồn mua vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em. Bộ Y tế đã đàm phán để mua vắc xin Covid-19 của Pfizer. Dự kiến, vắc xin sẽ về Việt Nam trong các tháng cuối năm nay. Do nguồn cung rất hạn chế, việc tiếp cận vắc xin về số lượng và thời gian phụ thuộc vào nhà cung cấp. Tuy nhiên, ngành y tế cũng vẫn chủ động công tác chuẩn bị về tổ chức, nhân lực... để triển khai tiêm ngay khi có vắc xin.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) rửa tay sát khuẩn |
Ngọc Dương |
Về kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18, GS Thuấn thông tin: “Việc này sẽ chờ kế hoạch cụ thể, sau khi có ý kiến của các chuyên gia về tiêm chủng, y tế dự phòng... Nhưng khi triển khai, có thể sẽ tiêm cho các con ở lứa tuổi lớn 17, 16 tuổi và sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn, vì quá trình triển khai tiêm, chúng ta vẫn tiếp tục xem xét về an toàn”.
Dự kiến tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trong tháng 10.2021 |
Theo bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), trong các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm, vắc xin của Pfizer đã được thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 - 18 tuổi. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi.
Tại Việt Nam, hiện chưa tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em vì số lượng vắc xin tiếp cận được còn hạn chế, và đang cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn. Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 trở nặng và tử vong rất thấp nếu so với nhóm người lớn, người già.
Giữa tháng 7, Bộ Y tế đã đàm phán với Hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12 - 18 tuổi. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.
Trước đó, Bộ Y tế đã ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer. Dự kiến, các tháng cuối năm nay, khoảng 50 triệu liều vắc xin Pfizer về Việt Nam. Sẽ triển khai tiêm cho trẻ em ngay khi có vắc xin.
Học sinh TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 |
KHẢ HÒA |
Khi tiêm cho trẻ, cần lưu ý gì ?
Bác sĩ Phạm Quang Thái thông tin: “Với vắc xin Pfizer, liều tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang được hoàn thiện hồ sơ và dự kiến tương đương với liều tiêm cho người lớn. Với trẻ dưới 12 tuổi sẽ là liều thấp hơn”.
Về theo dõi phản ứng sau tiêm, bác sĩ Thái cho hay, trẻ em cần được theo dõi cẩn trọng giống như tiêm các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm: các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.
Bác sĩ Thái cũng cho biết mới đây đã có báo cáo nghiên cứu ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em dù rất hiếm gặp. Trẻ em rất hiếu động, các em không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Nếu có những hành động quá sức như chạy nhảy, thể thao sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhiều. Do đó, đây cũng là phản ứng cần được theo dõi, nhận biết sớm sau tiêm.
“Việc tổ chức tiêm cho trẻ em cũng tương tự như với người lớn: trạm y tế, bệnh viện, các điểm tiêm ngoài trạm y tế, trong đó có thể tiêm ngay tại các trường học”, bác sĩ Thái nói.
Khi có vắc xin, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 - 18 tuổi |
ĐỘC LẬP |
Sẽ tiêm trong tháng 10.2021 ?
Trước đó vào sáng 9.10, tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng được nhiều lãnh đạo bệnh viện đưa ra trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trong bối cảnh TP.HCM đã gần hoàn tất tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi.
Nhiều nơi lên danh sách
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 6.10, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết TP.Hà Nội đang xúc tiến tìm nguồn vắc xin tiêm cho trẻ em. TP.Hà Nội hiện có 2,1 triệu trẻ em, học sinh dưới 18 tuổi, đều chưa được tiêm vắc xin.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng thông tin, trước đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đi thăm Cuba đã ký kết các hợp đồng mua vắc xin, trong đó dự kiến có 5 triệu liều vắc xin cho trẻ em. Hà Nội đã chủ động làm báo cáo đăng ký một phần từ nguồn vắc xin này để tiêm cho trẻ em, sau khi được Bộ Y tế có ý kiến thẩm định và cấp phép chính thức.
Thông tin từ UBND TP.Hải Phòng cho biết Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng đã có văn bản gửi các trường học (từ mầm non đến tiểu học) về việc khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh, đăng ký cho học sinh tiêm vắc xin phòng Covid-19. Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng yêu cầu các đơn vị tổng kết số liệu gửi về Sở để phối hợp Sở Y tế lên phương án thực hiện.
Theo ông Nguyễn Quang Chính, Giám đốc CDC Hải Phòng, việc Sở GD-ĐT yêu cầu các trường khảo sát ý kiến phụ huynh nằm trong chương trình phối hợp của ngành y tế và ngành giáo dục. Với trẻ dưới 18 tuổi nhưng không phải học sinh, ông Chính cho biết khi xây dựng kế hoạch thì chính quyền địa phương khảo sát, đăng ký cho nhóm đối tượng này tiêm chủng.
Ngày 9.10, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết Sở đã lập danh sách từ 17 tuổi trở xuống, cư ngụ trên địa bàn để tiêm vắc xin Covid-19 khi được Bộ Y tế phân bổ vắc xin. Qua thống kê, Đồng Nai có gần 1,1 triệu người từ 17 tuổi trở xuống, trong đó khoảng 700.000 trong độ tuổi từ 12 - 17. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết tỉnh này cũng đang rà soát, thống kê số lượng người dưới 18 tuổi để đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin Covid-19; nhưng đến nay danh sách cụ thể vẫn chưa hoàn tất.
Thanh Niên
Bản tin Covid-19 ngày 9.10: TP.HCM đã qua đỉnh dịch | Chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khi tỷ lệ chích ngừa cho người trên 18 tuổi ngày càng lớn thì làn sóng nguy hiểm sẽ dồn cho trẻ em. Tại Mỹ, chỉ trong 2 tuần cuối tháng 9 đã ghi nhận hơn 500.000 trẻ nhập viện do chủng Delta lây nhiễm rất nhanh. Mặt khác, trẻ em trở lại trường học vào tháng 9 cũng khiến tỷ lệ nhiễm của nhóm này tăng nhanh.
Theo bác sĩ Hùng, hiện Việt Nam đã đặt mua hàng chục triệu liều vắc xin của Pfizer và Abdala. Cả 2 đều là loại vắc xin đã được nhiều nước tiêm chủng cho trẻ em. Tại TP.HCM, ngành giáo dục dự kiến cho trẻ em đến trường từ tháng 1.2022 nên TP.HCM còn 3 tháng để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em bởi đây là đối tượng nhạy cảm, nhất là những em có bệnh lý nền và béo phì. “So với người lớn, tỷ lệ trẻ em tử vong vì Covid-19 không cao, nhưng chưa thể nói trước khi xuất hiện các biến chủng mới”, bác sĩ Hùng lo ngại.
Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho rằng Việt Nam chưa hướng dẫn tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi, nhưng nhiều nước bao gồm cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á đã triển khai tiêm cho trẻ em 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, có nước còn kiến nghị tiêm cho trẻ 5 - 12 tuổi, thậm chí từ 2 tuổi trở lên. Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM Lê Trường Giang thì đề nghị kéo giảm tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi trên phạm vi cả nước từ 80% xuống còn 70% và dành tỷ lệ này để tiêm cho trẻ em.
Trước ý kiến lo ngại thiếu vắc xin, GS Thuấn thông tin từ giờ đến cuối năm có thể nhận được tối thiểu 120 triệu liều vắc xin, nên trong năm 2021 sẽ có nhiều khả năng bao phủ vắc xin Covid-19 trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên để đạt miễn dịch cộng đồng.
Về việc tiêm vắc xin cho khoảng 650.000 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại TP.HCM, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có vắc xin thì TP.HCM sẽ triển khai với thời gian dự kiến chưa đến 1 tuần. Tuy nhiên, hiện nay học sinh đang học trực tuyến nên TP.HCM sẽ có phương án tổ chức tiêm phù hợp.
Đồ họa: Thúy Ngọc
Đồ họa: THúy NGọc |
Bình luận (0)