Mấy ngày nay báo chí đưa tin ta chuẩn bị xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa làm mình nhớ đận ở Hoàng Sa khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5.2014.
Lần đó nhóm mình có 5 người gồm mình, 1 phóng viên báo Tuổi Trẻ và 3 phóng viên VTV ở Hoàng Sa hơn 16 ngày. So với các phóng viên báo đài khác, 5 anh em mình ở nhiều ngày hơn nhưng không bõ bèn gì nếu so với anh em cảnh sát biển, kiểm ngư cả tháng chưa về bờ.
Năm anh em tụi mình ở Hoàng Sa hồi năm ngoái
|
Ở Hoàng Sa tương đối lâu, thông tin hạn chế nên mọi người trên tàu đều nhớ đất liền. Những ngày đó, tình hình Hoàng Sa khá nóng bỏng nên người ở ngoài biển lo một thì người ở bờ lo mười vì không biết ngoài biển có nguy hiểm gì không. Cũng may trên tàu có đài VTV đã cử ê kíp phóng viên rất máu lửa, xông xáo và đưa trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng phát trực tiếp qua sóng vệ tinh.
Mỗi ngày VTV truyền về bờ hai bản tin dành cho thời sự trưa và tối. Thường thì các cảnh quay tập trung vào cảnh tàu Trung Quốc hung hãn, đâm va và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Tàu tụi mình ra ngư trường Hoàng Sa mới thấy sự can đảm của ngư dân mình. Tàu Trung Quốc hàng trăm con cả dân sự, quân sự to cao hung hăng sẵn sàng đâm va nhưng tàu ngư dân nhà mình dù nhỏ đã không hề khiếp sợ. Từ biết bao đời nay ngư dân coi Hoàng Sa là một phần máu thịt của Việt Nam. Quan trọng hơn, ngư trường này chính là nơi hàng trăm năm qua các thế hệ ngư dân nối tiếp nhau kiếm kế mưu sinh.
Truyền tin bài từ Hoàng Sa về đất liền rất khó khăn
|
Biết anh em ai cũng nhớ nhà, thiếu tá Hoàng Quốc Đạt – Hải trưởng Hải đội 201,Vùng cảnh sát biển 2, chỉ huy tàu 4032 nơi tụi mình ở - rất tâm lí dặn phóng viên mỗi khi quay khéo léo lia ống kính để ai cũng được lên hình gửi về bờ cho người nhà thấy. Cẩn thận hơn anh Đạt còn “lệnh” phải quay luân phiên. Hôm nay người này được lên sóng thì ngày mai phải nhường cho người khác. Thế nên mới có chuyện có những anh em làm nhiệm vụ quân y hay nhà bếp đến giờ lại áo quần mũ mão chỉnh tề lên buồng lái hay boong tàu để dính chút sóng truyền hình.
Nhớ nhất là anh Liên – phụ trách điện đàm trên tàu và là đồng hương Nghệ An với mình – đến giờ mặc quần phục nghiêm chỉnh chạy lên boong tàu để được lên truyền hình vài giây. Xong xuôi anh về khu vực bếp với vẻ mặt trầm ngâm nhưng một chốc lại cười rất tươi. Anh Liên còn mỗi người mẹ già ở quê mà cả năm trời chưa có dịp về thăm. Tối đó sau nhiều ngày lo lắng và mong chờ, mẹ anh ở quê sẽ nhìn thấy con trai mình trên ti vi ở Hoàng Sa.
Dù chỉ xuất hiện một vài giây ngắn ngủi nhưng ai nấy đều vui vì biết rằng mình sẽ xuất hiện ở bản tin thời sự VTV lúc 7 giờ tối để người ở nhà biết mình còn mạnh khỏe.
Bình luận (0)