Lệnh cấm Huawei và thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng 5G như thế nào?

17/07/2019 09:36 GMT+7

Vì sao tập đoàn viễn thông Huawei lại trở thành “con tốt” trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc? Tất cả gói gọn trong một từ: 5G - thế hệ mạng không dây tiếp theo.

Theo CNET, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận ra tầm quan trọng của nó và muốn Mỹ chiếm lợi thế về 5G. Thậm chí, nhiều người cho rằng kết quả của cuộc đua 5G có khả năng ảnh hưởng tới quyết định liệu Mỹ có duy trì lợi thế công nghệ và chính trị trong vài thập kỷ tới hay không? Hoặc họ sẽ tụt lại phía sau Trung Quốc.
Huawei hiện chiếm ưu thế về phát triển công nghệ 5G và giới quan chức Mỹ cho rằng công ty này là mối đe dọa an ninh quốc gia do có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Dù các mối quan ngại này “thiếu công bằng về mặt thương mại” nhưng đã được Mỹ tận dụng triệt để. Nằm ở giữa cuộc chiến đó, Huawei trở thành con tốt trên bàn cờ Mỹ - Trung, dù trước đó nhiều người Mỹ có thể chưa nghe đến tên tuổi của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này.
Hãy cùng làm rõ vì sao Mỹ rất muốn đẩy Huawei khỏi cuộc đua 5G và ý nghĩa của hành động này đối với tương lai của kết nối không dây.

Mỹ có thể cấp phép mua bán với Huawei trong vòng 2 tuần

Tại sao lại là 5G?

5G là công nghệ mạng tiếp theo (thế hệ thứ 5) của công nghệ di động, hứa hẹn cung cấp tốc độ tải xuống nhanh hơn mạng 4G hiện tại khoảng 10 đến 100 lần. Hiện mạng 5G đã bắt đầu được triển khai ở một số nước tiên tiến, trong đó có Mỹ. Do có độ trễ thấp và tốc độ phản hồi nhanh, mạng 5G đóng vai trò quan trọng với các công nghệ trong tương lai, như xe tự lái hay nhà thông minh…
Nhưng tại sao cuộc đua 5G có ý nghĩa sống còn với nước Mỹ? Câu trả lời ngắn gọn là bất cứ nước nào dẫn đầu trong việc phát triển và triển khai công nghệ 5G sẽ có lợi thế hơn về tăng trưởng kinh tế và cả chính trị, bao gồm quyền kiểm soát công nghệ. Báo cáo của Ủy ban đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: "Thống trị mạng 5G sẽ có khả năng kiếm được hàng trăm tỉ USD doanh thu trong vài thập kỷ tới, tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ không dây”.
Với Mỹ, lợi thế 5G có nghĩa là giúp họ duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ và kinh tế, như cách mà họ đã làm với công nghệ 4G trước đó. Còn với Trung Quốc, nó là cơ hội để bứt phá và vượt mặt Mỹ, trở thành siêu cường quốc về kinh tế và chính trị mà họ nhăm nhe từ lâu.
Tuy nhiên, 5G không chỉ là một cuộc đua về công nghệ và chính trị, nó còn là một cuộc đua về chính sách.

Nếu để Huawei chiếm ưu thế trong cuộc đua 5G, Mỹ sẽ mất tất cả

Ảnh: Reuters

Và người Mỹ đã làm thế nào?

Vai trò chính nằm ở Tổng thống Mỹ Donald Trump, một ngày nọ ông thốt lên rằng Mỹ đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua 5G và cần phải bắt kịp Trung Quốc. Hôm sau, ông tuyên bố Mỹ sẽ chiến thắng và thống trị 5G và thậm chí là 6G.
Tuyên bố mà ngay cả các chuyên gia công nghệ không dây cũng không thể đồng ý. Trước đó, hiệp hội thương mại ngành công nghiệp không dây (CTIA) tuyên bố Mỹ sẽ “gắn bó” với Trung Quốc. Nhưng sau tuyên bố của ông Trump, họ đã quay ngoắt lại 180 độ. Ủy ban đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, “quốc gia sở hữu 5G sẽ sở hữu nhiều sáng kiến và đặt ra các tiêu chuẩn cho các nước còn lại của thế giới, hiện có khả năng Mỹ không phải là quốc gia đó”.
Dĩ nhiên, người Mỹ lo ngại cũng có cơ sở, với họ mối liên hệ giữa Huawei (công ty đang dẫn đầu công nghệ 5G) và chính phủ Trung Quốc khá rõ ràng, chính phủ nước này đang đổ tiền cho Huawei và thúc đẩy ba nhà mạng lớn của họ là China Mobile, China Unicom và China Telecom chung tay phát triển mạng 5G độc lập để có thể ra mắt vào năm 2020.
Trong khi Mỹ không có công ty lớn nào có khả năng xây dựng và phát triển mạng 5G, bởi nhiều năm trước các công ty Mỹ từng chiếm ưu thế về thiết bị mạng viễn thông đều đã được bán cho các nước bên ngoài. Hiện mạng 5G do các công ty như Huawei (Trung Quốc), Nokia và Ericsson (ở Bắc Âu) dẫn đầu. Còn cách tiếp cận thị trường tự do của Mỹ khiến các nhà mạng lớn nước này cạnh tranh đưa ra những lựa chọn nhà cung cấp 5G khác nhau, tạo ra những bất ổn lớn cho hạ tầng viễn thông của Mỹ.
Nhưng vấn đề lớn nhất của Mỹ là họ đã không đủ nhanh trong việc cung cấp các phổ tần mạng không dây cần thiết để triển khai dịch vụ 5G. Cụ thể, Mỹ đã phân bổ rất nhiều phổ tầng mmWave - có thể truyền dữ liệu tốc độ rất nhanh nhưng bị giới hạn về khoảng cách truyền, nên chỉ cần thời tiết xấu hay ở trong nhà cũng có thể gây ra gián đoạn dịch vụ. Do vậy, việc phổ cập mạng 5G theo bước sóng này sẽ tốn kém và không hiệu quả.
Lý tưởng nhất là Mỹ đổi sang dải tần trung và thấp kết hợp, nhưng đây lại là dải tần đang được dùng cho quân đội Mỹ.

Huawei đăng ký hệ điều hành riêng cho tương lai không Android

Quân bài Huawei

Huawei là một trong những nhà sản xuất thiết bị 5G lớn nhất và công nghệ của họ cũng được coi là tiên tiến nhất hiện nay. Họ đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Samsung. Nhưng dưới con mắt các quan chức an ninh Mỹ, họ cho rằng CEO kiêm người sáng lập tập đoàn này là cựu quân nhân của Trung Quốc nên công ty sẽ có mối liên hệ mật thiết với chính phủ hoặc dễ bị thao túng. Lệnh ủy quyền Canada bắt giữ và dẫn độ Giám đốc tài chính của Huawei tại nước này chỉ là một hành động tiếp theo trong chuỗi sự kiện mà Mỹ đặt ra với Huawei.
Tháng trước, ông Trump đã ký một sắc lệnh cấm thiết bị Huawei khỏi tất cả các nhà mạng Mỹ, đưa Huawei vào danh sách đen và quyết loại Huawei khỏi cuộc đua 5G ở Mỹ (và thế giới), không những vậy các nhà cung ứng liên đới của họ như ARM, Google, Intel, Qualcomm… đều lần lượt phải tạm ngừng cung ứng cho Huawei dựa theo lệnh cấm, dù sau hội nghị G20 (tại Nhật) Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm.

Còn 5G ở các nước khác?

Dù bốn nhà mạng lớn ở Mỹ đã loại bỏ Huawei khỏi mạng 4G hiện tại và 5G sắp tới, nhưng hệ thống mạng 5G của Huawei vẫn hiện diện khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các nước châu Âu. Các nhà mạng ở Anh và Đức đều dùng các thiết bị 4G của Huawei và cũng bắt đầu nâng cấp lên chuẩn 5G của công ty này dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phải bay khắp thế giới để kêu gọi (và đe dọa) các quốc gia ngừng hợp tác với Huawei.
Tuy nhiên, nếu trì hoãn 5G, các quốc gia này sẽ mất hàng chục tỉ USD, do vậy không có gì ngạc nhiên khi không mấy ai gật đầu với Mỹ. Anh và Đức cho biết họ vẫn đang đánh giá rủi ro và vẫn tiếp tục dùng thiết bị của Huawei.

Anh và Đức vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ 4G và 5G của Huawei

Ảnh: Reuters

Nói chung, các quan chức Mỹ không thích cách làm hay tham vọng siêu cường của Trung Quốc, nhất là về công nghệ và cáo buộc nước này đã đánh cắp các sáng chế bằng mọi giá. Mức thuế quan 25% đối với mọi mặt hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ là một cách để nước này “đòi lại công bằng”, nhưng chính nó cũng ảnh hưởng tới các công ty Mỹ. Đó là lý do chưa đầy một tháng sau ông Trump đã phải nới lỏng lệnh cấm và công khai đưa Huawei vào nội dung đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Nhưng chính hành động “nhân nhượng” này vô tình khiến các đồng minh của họ hiểu rằng ngay cả Mỹ cũng không thật sự nhất quán, nên họ không dại gì nghe theo để chịu thiệt đơn thiệt kép.

Lệnh cấm Huawei có tác động gì tới mạng 5G ở Mỹ?

Dưới thời Tổng thống Trump, thật khó dự đoán tương lai vì các chính sách có thể bị thay đổi hằng ngày và thậm chí lật ngược 180 độ.
Nhưng Hans Vestberg, CEO của Verizon, nhà mạng không dây lớn nhất ở Mỹ cho rằng ông không lo ngại về cuộc chiến này, "chúng tôi đang hợp tác chiến lược với nhà cung ứng Tây Âu và có vẻ như sẽ không cần đến Huawei”, đối tác mà ông nhắc tới chỉ có thể là Nokia hoặc Ericsson. Tương tự, không ai trong số bốn nhà mạng lớn của Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei nữa nên tác động của lệnh cấm này ở Mỹ là không đáng kể.
Nhưng với các nhà mạng nhỏ thì sao? Các nhà mạng nhỏ ở các khu vực nông thôn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng do họ vẫn dùng các thiết bị mạng của Huawei và ZTE trong các hạ tầng 4G vì mức giá phải chăng và đây có thể là vấn đề khi nâng cấp lên 5G.

Tác động khác của lệnh cấm Huawei và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên công nghệ 5G

Hậu quả tiềm tàng của lệnh cấm là có thể làm chậm tiến độ đưa ra chuẩn chung về 5G cũng như chia tách thị trường về mặt công nghệ.

Huawei thừa nhận kế hoạch dẫn đầu thế giới có thể lâu hơn dự kiến

Hiện tiêu chuẩn chính thức cho 5G vẫn chưa hoàn thiện và quá trình hình thành có thể sẽ phải mất nhiều năm, Huawei và các công ty phát triển công nghệ này sẽ phải cùng nhau tham gia quá trình thống nhất này. Nhưng theo một báo cáo từ Reuters vào tháng trước, một số nhà sản xuất chip của Mỹ đang ban hành lệnh hạn chế nhân viên của họ hợp tác về các tiêu chuẩn công nghệ với các đối tác Trung Quốc, dù Bộ Thương mại Mỹ biện minh họ không áp đặt điều này trong lệnh cấm.
Dù chính thức hay không, nhưng điều này sẽ làm chậm quá trình ban hành chuẩn 5G cũng như tiềm tàng chia rẽ Mỹ và các nước còn lại về chuẩn công nghệ. Điều này từng xảy ra trước đây, khi Mỹ chấp nhận chuẩn CDMA trong mạng di động 2G/3G, trong khi Trung Quốc tài trợ cho chuẩn TD-SCDMA và châu Âu đi theo chuẩn GSM.
Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ nên sẽ rất khó để dự đoán bên nào thắng cuộc, nhưng có một điều rằng kẻ thua cuộc chính là 5G, thứ đáng ra phải được các nước chung tay phát triển vì lợi ích chung của người dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.