Ủy ban Giải trừ vũ khí và An ninh quốc tế (DISC) của Đại hội đồng LHQ vừa bỏ phiếu thông qua kế hoạch lập hiệp ước về buôn bán vũ khí. Đây là bước đi mới nhất của cộng đồng quốc tế trước tình hình xung đột leo thang tại nhiều nơi trên thế giới. Mục đích của việc cho ra đời một hiệp ước về buôn bán vũ khí là nhằm xóa đi những kẽ hở trong các bộ luật hiện hành khiến súng ống vẫn được bán tới các khu vực xung đột. Một hiệp ước như thế này có thể bao gồm quy định cấm bán vũ khí cho các bên tham chiến, các điều khoản về việc tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ hoặc giải quyết những vấn đề như đảm bảo ngân sách mua vũ khí của một nước không được ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của nước đó.
Các luật đơn lẻ trước đây cũng có quy định tương tự nhưng hầu như không được các nước xuất khẩu vũ khí chấp hành. Chẳng hạn như trong thời gian Israel tấn công Li-băng vào giữa năm nay, báo chí Anh cho biết máy bay Mỹ đã chở bom tới Israel. Sau đó, nhiều nguồn tin còn cho biết vũ khí của Nga đã được phát hiện tại một số khu vực xung đột ở Trung Đông. Các luật lệ hiện hành cũng dường như bất lực trước tình trạng các tập đoàn sản xuất vũ khí ở các nước phát triển tiến hành sản xuất nhiều chi tiết ở các nước mà tình trạng kiểm soát còn lỏng lẻo để "lách luật".
Từ thực tế đó, LHQ nhận thấy cần thiết phải có một hiệp ước thống nhất nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu. Hãng tin AP cho biết, trong cuộc bỏ phiếu hôm 26.10 của DISC, có tới 139 quốc gia thành viên bỏ phiếu thuận, 24 phiếu trắng và 1 phiếu chống. Như vậy, kế hoạch soạn thảo hiệp ước đã được khai thông. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy một số nước vẫn còn chần chừ vì khả năng nguồn lợi khổng lồ từ việc xuất khẩu vũ khí của họ có thể bị ảnh hưởng bởi hiệp ước của LHQ. Nước xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới hiện nay là Mỹ, cũng là nước duy nhất bỏ phiếu chống việc soạn thảo hiệp ước. Theo đại diện của Washington thì những luật lệ hiện nay đã "quá tốt" để quản lý hoạt động buôn bán vũ khí trên thế giới. Lập luận trên là khá khó hiểu bởi gần đây Mỹ từng không ngớt phàn nàn việc Nga bán vũ khí cho Venezuela cũng như đã chặn nỗ lực của Venezuela mua máy bay từ Tây Ban Nha.
Trong khi Mỹ tỏ thái độ khá rõ ràng thì hai nước xuất khẩu vũ khí lớn khác là Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Theo Hãng tin BBC, nằm trong nhóm "lưỡng lự" này còn có Pakistan và Ấn Độ, những "ngôi sao đang lên" của câu lạc bộ các nước xuất khẩu vũ khí. Dù thế, với số lượng các nước ủng hộ áp đảo, trong đó có các cường quốc như Anh, Đức, Pháp, một hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí hy vọng sẽ ra đời nay mai, mở thêm cơ hội cho hòa bình và ổn định thế giới. Hãng tin BBC dẫn lời đại diện của Anh tại LHQ, ngài J.Duncan, nói rằng kết quả bỏ phiếu vừa qua là "một thắng lợi to lớn".
Đỗ Hùng
Bình luận (0)