LHP lần này BTC sẽ giới thiệu các bộ phim khá đa dạng về thể loại và đề tài, bao gồm cả phim đang ăn khách nhất như Nếu như yêu (đạo diễn Trần Khả Hạnh, đã chiếu ở Việt Nam) hoặc những bộ phim mới đang gây xôn xao, như Phụ nữ, phụ nữ; Huyết chiến tới cùng… và nhiều phim xuất sắc khác như: Thiếu niên internet, Định Quân Sơn, Tình yêu ở trên đường, Nhìn rất đẹp… Điều đáng nói là 15 bộ phim trong đó sẽ tổ chức các cuộc giao lưu ngay sau buổi chiếu, để sinh viên được trò chuyện và đưa ra những câu hỏi thắc mắc với đội ngũ làm phim. Điều này chứng tỏ tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và sự tôn trọng khán giả, luôn tạo điều kiện để khán giả tìm hiểu thêm về điện ảnh. Đây là một điều mà ngay cả giới điện ảnh chuyên nghiệp nước ta cũng không mấy chú ý thực hiện như hiện tượng chấm giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh vừa qua.
LHP sinh viên Bắc Kinh ra đời vào năm 1993 do Tổng cục Phát thanh truyền hình và điện ảnh Trung Quốc, Bộ Giáo dục và chính quyền thành phố Bắc Kinh phê duyệt. Được tổ chức mỗi năm một lần trong khoảng từ tháng 4 - 5, LHP sinh viên được tổ chức rất rộng rãi với mục đích nâng cao kiến thức và trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho sinh viên. Chính vì vậy, việc đưa phim tới khán giả và giúp khán giả hiểu được mọi vấn đề xoay quanh việc hình thành một bộ phim như quá trình chuẩn bị, đi quay, khó khăn và hạn chế... và trao giải cho những phim xuất sắc nhất do chính sinh viên bình chọn là mục tiêu hàng đầu của ban tổ chức. Xuất phát từ mục tiêu đó, LHP sinh viên rất chú trọng tới số lượng các phòng chiếu tại các trường đại học trong mỗi lần tổ chức, tạo điều kiện cho đông đảo sinh viên cùng đến được với điện ảnh. Con số các phòng chiếu ngày một tăng theo các kỳ LHP: 37 phòng chiếu (LHP lần thứ 10), 50 phòng chiếu (LHP lần thứ 11), 70 phòng chiếu (LHP lần thứ 12) và 100 phòng chiếu (LHP lần thứ 13).
LHP sinh viên cũng có đầy đủ các giải thưởng giống các LHP chuyên nghiệp khác như: giải Phim xuất sắc nhất, giải Đạo diễn xuất sắc nhất, giải Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, giải Phim đầu tay xuất sắc nhất, giải Hiệu quả hình ảnh xuất sắc nhất, giải Đặc biệt cho những sáng tạo mới trong nghệ thuật, giải Cống hiến kiệt xuất cho điện ảnh châu Á... Tất cả các giải thưởng này do một BGK gồm các chuyên gia và sinh viên bình chọn. Tuy nhiên, giải đặc biệt nhất của LHP này lại là giải Đạo diễn, Nam diễn viên, Nữ diễn viên được sinh viên yêu thích nhất do sinh viên của các trường trực tiếp bỏ phiếu bình chọn. Cái hay và độ chuyên nghiệp của LHP sinh viên còn được thể hiện rõ ở chỗ: ngoài việc bình chọn các phim mới trong năm, LHP luôn tổ chức các triển lãm chuyên đề, các cuộc hội thảo khoa học, nghiên cứu đạo diễn, bỏ phiếu điều tra... thu hút gần 300 bộ phim tham dự và 2 triệu người tham gia suốt 12 năm qua.
Trông người lại ngẫm đến ta, đến bao giờ LHP Việt Nam mới được coi trọng và được tổ chức chuyên nghiệp và rộng rãi như LHP sinh viên Bắc Kinh, chứ chưa dám mơ tới một LHP sinh viên Việt Nam sẽ được ra đời trong thời gian gần nhất. Bởi ngay cả LHP và các cuộc chấm giải chuyên nghiệp trong nước còn diễn ra rất xa cách với khán giả, nói gì tới việc phổ cập hóa điện ảnh ra dân chúng.
Phương Nam
Bình luận (0)