Liên kết giúp nhiều nông dân tăng thu nhập, ổn định sản xuất |
Ảnh: A.T |
Theo ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, trong cơ cấu kinh tế của huyện, ngành nông nghiệp chiếm vị trí và vai trò quan trọng, tỷ trọng hằng năm khoảng từ 31-32%; số hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) chiếm khoảng 60% tổng số hộ dân trên địa bàn toàn huyện. Nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển mạnh theo hướng hàng hóa với quy mô tương đối lớn, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, dâu tằm. Năm 2021, diện tích SXNN đạt 35.249 ha, tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 53.059 ha (trong đó các loại cây hàng năm 33.166,6 ha; cây lâu năm 19.820 ha). Tổng diện tích đất SXNN ứng dụng công nghệ cao đạt 9.709,26 ha. Giá trị sản xuất/đơn vị diện tích ước đạt 247 triệu đồng/ha/năm.
Cũng theo ông Hoàng, liên kết trong sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản thuận lợi, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 29.692 hộ SXNN, trong đó có 6.196 hộ (kể cả trồng trọt và chăn nuôi) tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng 770 hộ so với năm 2020. Trong tổng số các hộ tham gia liên kết thì có 1.946 hộ được ký kết rõ ràng thông qua hợp đồng (liên kết với tổ hợp tác có 72 hộ, liên kết với hợp tác xã (HTX) có 846 hộ, liên kết với doanh nghiệp (DN) có 1.456 hộ, liên kết với các đơn vị khác như cơ sở, thương lái... là 3.882 hộ). Đến nay đã hình thành khoảng 31 chuỗi liên kết cấp huyện. Qua tổ chức liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời, quá trình liên kết giúp nhiều HTX củng cố hoạt động hiệu quả hơn, DN thu mua nông sản được ổn định, hạn chế được rủi ro giá cả thị trường biến động.
Tuy nhiên, việc liên kết này cũng còn gặp một số hạn chế, khó khăn nhất định như: đa số các chuỗi liên kết có quy mô nhỏ, tỷ lệ liên kết giữa các hộ nông dân với DN và HTX còn thấp, chủ yếu là liên kết giữa các hộ nông dân với thương lái và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Tỷ lệ nông hộ tham gia liên kết có hợp đồng rõ ràng còn rất thấp, chủ yếu là thỏa thuận bằng miệng, hình thức thương lái cho giá sau đã gây nhiều thiệt thòi cho người nông dân. Hợp đồng của nhiều chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, tình trạng tranh chấp trong mua bán giữa người sản xuất và các đơn vị thu mua vẫn còn tồn tại. Chưa phát triển được nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác thu mua sản phẩm của người dân. Đội ngũ cán bộ quản lý của một số HTX còn chưa đủ mạnh về năng lực và tâm huyết để làm tốt vai trò tập hợp nông dân, đại diện nông dân liên kết với DN, chưa linh hoạt để tìm kiếm thị trường và làm “đầu tàu” trong tổ chức SXNN theo chuỗi giá trị.
Nhiều DN hoạt động hiệu quả hơn khi liên kết chặt chẽ với nông dân |
Ảnh: A.T |
“Huyện Đức Trọng đã phê duyệt Đề án nâng cao tỷ lệ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, phát triển thêm 23 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng tổng số chuỗi vào năm 2025 là 54 chuỗi; hỗ trợ xây dựng hình thành mới và nâng cấp chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở các địa phương. Đồng thời, phối hợp, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố có thị trường tiêu thụ lớn, với các DN, các nhà đầu tư lớn, cũng như tổ chức nhiều hội nghị triển lãm trưng bày để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của huyện. Tiếp tục lấy HTX, tổ hợp tác là nòng cốt trong vấn đề xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm; tăng tỷ lệ hộ được ký kết với hợp đồng rõ ràng”, ông Hoàng cho hay.
Bình luận (0)