Hệ thống ngân hàng (NH) hiện tại có NH lớn, NH nhỏ, NH mạnh, NH yếu. Sức khỏe khác nhau, thể trạng khác nhau nhưng "thuốc" chỉ có một liều giống nhau chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ lụy.
Đầu tiên là cuộc chạy đua lãi suất quyết liệt giữa các NH, do áp dụng chung mức trần huy động 14% cho cả hệ thống. Tất nhiên, với cùng mức lãi suất, khách hàng chẳng dại gì gửi tiền ở các NH nhỏ. Do đó, để huy động, các NH này buộc phải nâng lãi suất huy động lên cao để cạnh tranh. Các NH lớn sợ mất khách (thực tế đã xảy ra tình trạng vốn chạy từ NH này sang NH khác do lãi suất cao hơn), cũng nâng lãi suất lên để giữ chân khách hàng... cứ thế, lãi suất được đẩy lên.
Hậu quả là doanh nghiệp không thể, không dám tiếp cận vốn NH. Những doanh nghiệp buộc phải vay vốn thì rơi vào tình trạng lãi suất "đè" lợi nhuận. Đến thời điểm này, lãi suất vẫn đang là nỗi ám ảnh của cả doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Tương tự, việc khống chế tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay cũng đang khiến các NH dở khóc, dở cười. Các chuyên gia đều cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 20% cho năm nay không phải là thấp. Vậy tại sao nhiều NH vẫn kêu, vẫn muốn xin thêm hạn mức? Tại sao vẫn có cảm giác rằng "chiếc áo" 20% này quá chật chội ? Nguyên nhân xuất phát từ việc "đổ đồng" hạn mức 20% cho tất cả các NH.
Lẽ ra NH Nhà nước nên phân loại để áp dụng mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với hiện trạng sức khỏe của mỗi nhóm NH. Như vậy, sẽ có NH được phép tăng trưởng tín dụng trên 20% nhưng cũng có NH dưới 20%. Miễn sao cuối năm, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống là 20%. Như vậy vừa bảo đảm được chỉ tiêu, vừa thể hiện sự khoa học trong việc điều hành của NH Nhà nước.
Hay trong việc siết chặt tín dụng phi sản xuất (chủ yếu là chứng khoán và bất động sản) đang "nóng" các diễn đàn về định nghĩa thế nào là phi sản xuất. Những kiến nghị từ chính các cơ quan quản lý, lời kêu than từ doanh nghiệp, người dân đã được đưa ra. Chưa nói đến việc đúng, sai, nên hay không nên nhưng nếu ngay từ ban đầu, chúng ta phân định rõ ràng các loại hình bất động sản, thậm chí ngay cả chứng khoán để có định nghĩa rõ ràng hơn, chính xác hơn về "phi sản xuất" thì có lẽ, mọi việc sẽ không đến mức như hiện nay.
Có thể nhận thấy, sự linh hoạt mà NH Nhà nước đang vận dụng hiện nay mới chỉ ở mức nâng lên, hạ xuống các hạn mức, các ngưỡng... tín dụng trong mỗi thời điểm khác nhau cho phù hợp với biến động của lạm phát, của kinh tế. Linh hoạt như vậy thì… nhàn. Tuy nhiên, yêu cầu thực tế không đơn giản như vậy. Sự linh hoạt cần được thể hiện một cách cụ thể hơn, sâu sát hơn, phù hợp với thực trạng của các NH hơn, để chính sách phát huy hiệu quả cao hơn và không xảy ra các hệ lụy như nói trên.
Tất nhiên, làm như vậy sẽ vất vả hơn. Nhưng nếu "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng"... thì linh hoạt điều hành vẫn chỉ là khái niệm mang tính lý thuyết mà thôi.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)