Linh Trung - ông bầu thích đóng vai phụ

22/12/2008 22:51 GMT+7

Trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) thường xuất hiện một anh kép trung niên đóng những vai hài hước dí dỏm, hoặc những vai già bi kịch, dáng trầm tĩnh, chững chạc...

Hai kiểu nhân vật hình như trái ngược, thế nhưng anh vẫn đóng rất đạt. Không biết nên gọi anh là kép lão hay kép hài. Đó là diễn viên Linh Trung, người thủy chung với Nhà hát Trần Hữu Trang suốt 30 năm.

Năm 1978, nhà hát mở một khóa đào tạo chính quy, chất lượng không thua kém trường sân khấu, đã cho ra lò nhiều tên tuổi. Linh Trung theo học khóa đó, đến năm 1981 ra trường, đi phục vụ biên giới Tây Nam vài năm, rồi “đóng đô” luôn tại đoàn 2 (Nhà hát Trần Hữu Trang có 2 đoàn cải lương). Lúc ấy, đoàn 2 rất mạnh với các nghệ sĩ nổi tiếng như Phượng Liên, Bảo Anh, Minh Vương, Ngọc Giàu... dàn dựng Chuyện cổ Bát Tràng, Rạng ngọc Côn Sơn nức tiếng ngợi khen. Linh Trung chỉ đóng những vai nhỏ đã sung sướng lắm rồi, vì có điều kiện gần gũi đàn anh đàn chị học nghề.

Năm 1988, cải lương sa sút, nghệ sĩ đi tứ tán, Vũ Linh lại về đầu tư, và Linh Trung được lên hát kép nhì, thật là hạnh phúc. Năm 1991 danh hài Hồng Tơ nghỉ, Linh Trung bị bắt thế vai, ai ngờ có duyên quá, thế là anh rẽ ngang sang lĩnh vực hài cho tới bây giờ. Và từ diễn viên, anh lên chức phó đoàn, trưởng đoàn, lại ôm cặp đến trường học khoa đạo diễn sân khấu.

Nhưng gặp Linh Trung ngoài đời, mọi người sẽ ngạc nhiên vì trông anh không giống nghệ sĩ mà lại giống doanh nhân! Áo bỏ vô quần, đeo kính, laptop đút trong ba lô, ngồi một tí mà điện thoại cứ réo liên tục. Linh Trung cười: “Thì tôi đang lấy kinh doanh để nuôi cải lương mà. Lương diễn viên chắc đủ mình tôi xài, muốn nuôi vợ con thì phải làm thêm. Ở nhà tôi có 10 bàn bi-da, ở địa phương thì tôi tổ chức các hoạt động trong khu vực hồ bơi, ở trang trại lại nuôi lươn, nuôi cá kiểng. Dĩ nhiên là phải thuê người phụ với mình, để mình có thể chạy lo cho đoàn. Có hậu phương vững chắc, làm nghề yên tâm hơn”.

 

Trăm chuyện kinh doanh hay chạy sô này nọ vẫn không bằng cải lương. Cho tôi đóng một vai nhỏ xíu tôi cũng chịu. Hồi nhà hát kêu tôi làm trưởng đoàn, tôi có “giao” là phải để tôi được diễn. Không diễn, tôi theo nghề làm chi!

Nghệ sĩ Linh Trung

Thảo nào nhà hát khoán năm nay đoàn 2 phải đạt doanh thu 550 triệu đồng mà anh đã đạt gần 1 tỉ. Cứ mỗi tháng anh tổ chức cho đoàn có chừng 10-15 suất lưu diễn, chưa kể các chương trình truyền hình và gây quỹ từ thiện cho các tỉnh, chẳng hạn chương trình cứu trợ nạn nhân chất độc da cam, chương trình phục vụ cựu chiến binh, phục vụ phạm nhân, gây quỹ giúp giáo viên, người nghèo... Nhiều chương trình vô tay anh bán vé rất chạy. Chẳng hạn chương trình kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, đã diễn suốt từ quận 9, quận 12, quận Bình Thạnh mà suất nào cũng 3.000-4.000 khán giả, và cuối năm nay Đài phát thanh - truyền hình Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chọn phát sóng trực tiếp.

Anh nói: “Chắc tổ nghiệp thương. Thấy mình cực nên phù hộ mình! Thà tôi làm diễn viên mà khỏe hơn, cứ hát xong là về ngủ, khỏi lo gì hết. Còn đằng này mình có trách nhiệm với anh em, cần động não nghĩ ra chương trình để đạt hiệu quả. Cải lương bây giờ khó khăn, nhưng chúng tôi nhất quyết không bỏ. Khán giả vẫn còn rất yêu cải lương”. Linh Trung đã xoay xở bằng cách kết hợp với ca nhạc, hài kịch, miễn sao cải lương vẫn có cơ hội ra mắt người xem, dẫu là những trích đoạn, hoặc vở ngắn, và từ đó anh em trong đoàn có thu nhập đều đặn. Phần anh, dù được mời đi tấu hài, đi đóng phim khá nhiều, nhưng cuối cùng vẫn leo lên sân khấu “giành” một vai cải lương cho bằng được.

Xem ra Linh Trung còn rất “máu”, anh hồ hởi phác họa kế hoạch tết năm nay, hy vọng sẽ thắng. Hóa ra anh từng học một khóa về marketting, giúp cho anh rất nhiều trong công tác lãnh đạo đoàn. Và ngay bây giờ, anh đã học năm thứ hai khoa đạo diễn, cũng là thêm kiến thức trong việc làm nghề lẫn quản lý. Anh nói: “Hồi đó người ta hay chê diễn viên cải lương ít học, anh em mình cứ tự ái. Nhưng khi bước vào trường học rồi mới thấy người ta nói đúng. Không học thì mình làm nghề theo bản năng, nhưng có học thì phải khác đi, có chiều sâu hơn. Thậm chí cũng có sinh hoạt tốt hơn. Như tôi hồi đó cũng la cà nhậu nhẹt, hút thuốc dữ lắm, giờ thì đã bỏ thuốc được 4 năm và ít nhậu hẳn. Người thấy khỏe mạnh, đầy sức sống, và tiết kiệm được thời giờ nên mới làm được nhiều việc đến vậy. Tôi hay khuyên nhủ mấy em còn ham chơi như mình hồi xưa ráng thay đổi. Riêng tôi, học xong khóa cao đẳng sẽ học liên thông lên đại học sân khấu luôn. Học thấy vui quá, còn sức thì còn đeo”.

Chưa hết, còn chuyện sáng tác kịch bản đáng ngạc nhiên hơn nữa... Thì ra anh đã có gần 20 kịch bản viết cho sân khấu lẫn truyền hình, tuy không quá nổi tiếng nhưng vẫn được khen, chẳng hạn Vợ là tất cả, Cội nguồn yêu thương, Hoa lục bình... Nhiều việc vậy sao? Anh gật đầu: “Mỗi ngày tôi chỉ ngủ từ nửa đêm tới 5, 6 giờ sáng là bật dậy, đi học, đi làm, đi móc sô cho anh em... Vui lắm!”.

Nhìn gương mặt hồng hào và tướng tá cao lớn của anh, đủ biết! Nhưng chỉ lát nữa thôi, khi màn đêm buông xuống, cánh màn nhung mở ra, sẽ thấy một Linh Trung khác hẳn. Một anh hề đểnh đoảng, hậu đậu, lắm tật. Vậy mà khán giả lại vỗ tay! 

Hoàng Kim

* Lương Mỹ - 22 năm chỉ đóng vai nhỏ
* Ngọc Hương diễn chân thật, sống yên bình
* Mỹ Dung - người đàn bà của gia đình
* Lê Quang - Võ Tòng hiền như đất
*
Ánh Hoa - 50 vai diễn, một phận người
* Kim Ngọc từng mang tiếng oan
* Nữ hài Phi Phụng với hạnh phúc… bán yaourt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.