Lo cho giá xăng, giá điện

30/06/2014 03:00 GMT+7

6 tháng với 4 lần tăng, giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Ngành này vừa có một năm thắng lớn với lợi nhuận tăng vọt, hơn gấp đôi so với năm trước. Điện cũng công bố lãi tới hơn 9.000 tỉ đồng trong năm 2013. Điện - xăng lãi lớn trước sự chán chường của người dân và doanh nghiệp.

6 tháng với 4 lần tăng, giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Ngành này vừa có một năm thắng lớn với lợi nhuận tăng vọt, hơn gấp đôi so với năm trước. Điện cũng công bố lãi tới hơn 9.000 tỉ đồng trong năm 2013. Điện - xăng lãi lớn trước sự chán chường của người dân và doanh nghiệp.

Nhưng ở thời điểm này, có thêm nỗi lo lắng khi giá xăng đã chính thức được chuyển về cho Bộ Công thương quyết định. Chuyển giá xăng về cho Bộ Công thương thì Bộ này sẽ vừa quản lý việc xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường là Petrolimex và quản lý luôn về giá. Nói ngắn gọn là vừa đá bóng, vừa thổi còi. Hãy hình dung thế này: Xăng dầu xưa nay lãi lớn là nhờ tăng giá. Muốn tăng giá thì DN xin phép Bộ Công thương. Bộ này cũng chính là đơn vị quản lý "ông lớn" Petrolimex, chiếm hơn 50% thị trường xăng dầu. Vậy Bộ này sẽ vì lợi ích của DN mình hay vì các DN khác? Câu trả lời chính là nỗi lo lắng của tất cả chúng ta khi nhìn lại "lịch sử" tăng nhiều - giảm ít, nói lỗ nhưng lãi khủng của ngành xăng dầu. Càng lo lắng hơn khi nhớ lại cuộc cãi nhau "lịch sử" giữa lãnh đạo 2 bộ Tài chính và Công thương hồi tháng 9.2011 tại buổi hội thảo về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Lãnh đạo Bộ Công thương khi đó cho rằng, việc điều hành giá của Bộ Tài chính là nguyên nhân khiến các DN xăng dầu lỗ lớn (thực chất đến cuối năm 2011, Petrolimex đã lãi lớn). Vậy người dân có cơ sở để lo lắng, khi được quyền quyết giá thay Bộ Tài chính, Bộ này sẽ "tiếp sức" cho các DN của mình kinh doanh “hiệu quả” hơn bằng việc cho tăng giá. Càng lo lắng hơn khi đã 3 năm trôi qua Bộ Công thương vẫn không sửa xong Nghị định 84 với nhiều quy định dẫn tới sự thiếu minh bạch, nhập nhằng lỗ lãi, có dấu hiệu lợi ích nhóm... trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tương tự theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), năm 2013 ngành điện có nhiều thuận lợi như thời tiết, sản lượng điện tăng cao, tỷ giá ổn định... Mặc dù vậy, điện vẫn tăng giá 2 lần để đạt mức lợi khủng với hơn 9.000 tỉ đồng. Đáng nói là những năm trước, sự bất lợi của các yếu tố này cũng được ngành điện đưa ra để tăng giá. Như vậy, khó khăn hay thuận lợi, hạn hán hay mưa nhiều, tỷ giá ổn định hay bất ổn thì điện cũng chỉ có một chiều tăng giá. Chúng ta có thể làm được gì khi EVN vẫn độc quyền từ truyền tải, sản xuất, phân phối và kinh doanh điện?

Điện và xăng đều là những mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả đầu vào của hầu hết hàng hóa, sản phẩm, tác động vừa trực tiếp, cũng vừa gián tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhưng suốt mấy năm kinh tế khủng hoảng vừa qua, vào những thời điểm khó khăn nhất, các ngành này vẫn tìm mọi cách để tăng giá. Một tuần trước khi xăng tăng giá để lên mức kỷ lục hiện nay cũng là lúc sức khỏe của các DN vừa và nhỏ đang xuống dốc trầm trọng theo báo cáo của Bộ KH-ĐT. Báo cáo mới nhất của UBND TP.Hà Nội cũng cho biết, số DN ngừng hoạt động trên địa bàn này vẫn tăng gần 5% so với cùng kỳ.

Xăng - điện cứ tăng và sức mua cứ giảm; xăng - điện vẫn lãi lớn và DN phá sản vẫn tăng... Đó là lý do, hiệu quả kinh doanh của những ngành này chưa bao giờ hết gây tranh cãi và bức xúc sau mỗi lần công bố.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.