Lỡ duyên vì vội

04/11/2013 10:10 GMT+7

Chỉ vì một phút vội vàng của đôi tình nhân, đám cưới của họ đã hoãn lại vô thời hạn. Còn Thành, từ một thanh niên khỏe mạnh, đã vĩnh viễn trở thành phế nhân...

Lỡ duyên vì vội

Chỉ vì vội vàng, Thành đã trở nên tàn phế và lỡ chuyện tình duyên - Ảnh: Diệp Đồng 

Đã hơn 2 năm từ buổi sáng định mệnh ấy, nhưng Nguyễn Duy Thành (30 tuổi, Bố Trạch, Quảng Bình) và vợ chưa cưới cũng như người dân xã Tây Trạch, H.Bố Trạch vẫn không thể nào quên sự cố xảy ra trên cầu đường sắt. Tháng 10.2010, Thành đang công tác tại Hà Nội về quê nghỉ phép để cưới vợ. Sáng 17.10, khi trận lũ lịch sử đang làm ngập cầu Sông Ngang trên tuyến đường liên xã, Thành cùng vợ chưa cưới là cô giáo Dương Thị Hằng về thị trấn để đưa thiệp cưới. Lúc này cầu ngập sâu và nước lũ chảy xiết, giải pháp duy nhất là đi qua cầu đường sắt chạy song song với cầu Sông Ngang. “Lúc đó, tôi cũng chần chừ bởi biết đi trên cầu đường sắt là rất nguy hiểm Nhưng ngày cưới đã cận kề, nếu chờ thêm nữa sẽ lỡ việc. Mà ở quê tôi, mưa lũ thường kéo dài, biết chờ đến bao giờ, nên hai vợ chồng quyết định đi xe máy qua cầu đường sắt để về thị trấn”, Thành kể. Nghĩ là làm. Họ đưa xe lên cầu đường sắt để sang bờ bên kia. Lúc này trời mưa lớn, tầm nhìn hạn chế bởi cây cầu nằm ngay chỗ ngoặt của đường sắt, khi hai vợ chồng Thành vừa đến giữa cầu thì bất ngờ phát hiện ra đoàn tàu đang lao tới. Đối diện với đoàn tàu, Thành hốt hoảng gọi Hằng xuống xe và tránh vào một bên đường ray, còn mình thì chỉ kịp nghiêng xe máy qua một bên. Khi đoàn tàu vụt qua, Thành đau đớn cùng cực bởi cả phần thân bên trái bị thương nặng, chân bị gãy làm nhiều đoạn...

 

Dù tai nạn xảy ra với Thành là một bài học thương tâm, nhưng vẫn có rất nhiều người tiếp tục đi trên cầu đường sắt mỗi khi trời mưa lũ. Khi tàu đến, giải pháp duy nhất là cả người và xe phải lao xuống sông. May mắn thì người thoát khỏi dòng nước lũ, còn xe thì vài ba ngày sau mới được vớt lên.

Sau 16 tháng điều trị với hàng chục cuộc phẫu thuật do phần chân bị hoại tử, dù đã được hưởng chế độ bảo hiểm nhưng gia đình anh vẫn rơi vào tình cảnh khốn khó khi tiêu tốn trên 500 triệu đồng. “Trong thời gian điều trị, tôi đã phải trải qua sự đau đớn cùng cực về thể xác khi cứ vài ba ngày lại phải lên bàn mổ. Cùng với nỗi đau về thể xác là sự tuyệt vọng về tinh thần khi nghĩ về tương lai...”, Thành tâm sự. Cách đây 6 tháng, bác sĩ đã quyết định cưa chân của Thành để bảo đảm sinh mạng bởi phần chân bị hoại tử không thể phục hồi. Giờ thì Thành đã xuất viện về quê và trở thành một người tàn tật, không có việc làm... Sau sự cố ấy, đám cưới của họ đã phải hoãn lại. Nói về vợ chưa cưới của mình, cô giáo Dương Thị Hằng, Thành cho biết: “Cô ấy là một người rất tốt. Gần một năm rưỡi tôi nằm viện điều trị, cứ 2, 3 tuần Hằng lại tranh thủ vượt gần 200km để vào Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc và động viên tôi. Nhờ cô ấy, tôi đã có thêm nghị lực để vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất... Bây giờ, khi sức khỏe đã tạm ổn, Thành dự định mở một quán photo và bán đồ dùng học tập gần nhà. “Lúc đầu tôi tính làm nghề sửa xe đạp, xe máy, nhưng với sức khỏe hiện tại có lẽ sẽ khó làm được. Khi nào công việc ổn định, chúng tôi sẽ bàn chuyện đám cưới...”, Thành kể.

Nhớ lại chuyện cũ, Thành ngậm ngùi: “Vẫn biết đi trên cầu đường sắt là sai và đối đầu với hiểm nguy, nhưng lúc ấy tôi chỉ muốn được việc mà chưa nghĩ đến hậu quả. Rơi vào hoàn cảnh như bây giờ, tôi đã thật sự thấm thía câu "Nhanh một phút, chậm cả đời"...

Diệp Đồng

Hãy kể cho chúng tôi câu chuyện của bạn - Đó sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp ích cho rất nhiều người vì an toàn giao thông. Bạn có thể tự viết bài hoặc nhờ phóng viên ghi lại câu chuyện của mình. Liên lạc qua email: nhanhmotphutchamcadoi@gmail.com  hoặc điện thoại: 0935 538 777.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.