Việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, tiến tới sản xuất gạch theo phương pháp mới thân thiện với môi trường đã làm cho hàng trăm chủ lò gạch và người lao động ở Kon Tum lo lắng từng ngày.
Đầu tháng 7 này, đến khu lò gạch thủ công ở xã Hòa Bình và Đăk Blà (TP.Kon Tum), chúng tôi nhận thấy hầu hết các chủ lò ở đây vẫn sản xuất gạch nung bằng củi. Tại làng Kon Mơ Nây Ktu 1, xã Đăk Blà, hàng chục lò gạch thủ công đang thi nhau nhả khói, xung quanh đó là những đám ruộng bị đào xới nham nhở với nhiều hố sâu hoắm. Một chủ lò gạch làng Kon Mơ Nây Ktu1 cho biết đã làm gạch tại đây hàng chục năm nay, vừa gần nhà, vừa có sẵn nguyên liệu. Bình quân mỗi năm ra lò vài trăm ngàn viên gạch.
|
“Biết việc sản xuất gạch theo kiểu cũ sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhưng để chuyển đổi sang phương pháp mới thì không dễ. Bởi vốn đầu tư xây lò đứng, lò tuynel hoặc dây chuyền sản xuất gạch không nung rất lớn, gia đình tôi không có vốn”, ông chủ lò gạch này than. Nhiều chủ lò gạch còn bày tỏ, di dời lò gạch thủ công vào khu tập trung tại xã Hòa Bình đã “ngốn” của gia đình 200 triệu đồng. Bây giờ muốn chuyển đổi phương pháp sản xuất, hay đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung thì cần lượng vốn khá lớn, gia đình không biết lấy đâu ra để đầu tư. “Chúng tôi rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi và dài hạn thì chúng tôi mới có thể thực hiện được...”, một chủ lò gạch nói.
Điều đáng nói là, nhiều lao động trong các lò gạch đồng tình với việc chuyển đổi từ lò gạch nung sang không nung. Thế nhưng, các lao động đều biết các chủ lò rất khó có vốn để đầu tư chuyển đổi. Nếu các lò gạch phải ngưng sản xuất, hàng ngàn lao động sẽ không có việc làm. Theo anh Nhân, một lao động tại lò gạch, các chủ lò gạch trả cho 200.000 đồng/ngày/lao động, đủ để lo trang trải cuộc sống gia đình. “Giờ mà lò gạch thủ công ngừng sản xuất thì chúng tôi không biết làm gì để kiếm sống...”, anh Nhân thở dài. Hơn chục lao động khác tiếp xúc với chúng tôi đều cùng có chung tâm trạng như thế.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Kon Tum, tỉnh này hiện có 175 lò gạch thủ công, tập trung chủ yếu ở TP.Kon Tum. Mỗi năm, các lò gạch này sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 120 triệu viên gạch, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Mới đây, TP.Kon Tum đã tiến hành di dời các lò gạch về 2 xã Hòa Bình và Vinh Quang. Tuy nhiên, thực tế hiện vẫn còn rất nhiều chủ lò gạch dùng củi để đốt lò, khói bụi gây ô nhiễm không khí nặng nề, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh... Chủ trương tiến dần đến việc xóa lò gạch thủ công được dư luận đồng tình, nhưng theo đó cần có chính sách đi kèm để cho hàng trăm chủ lò gạch còn cơ hội phát triển sản xuất, hàng ngàn lao động có việc làm để mưu sinh.
Hoàng Ngọc - Phạm Anh
>> Lò gạch “hun khói” QL1A
>> Ba cấp “bất lực” với lò gạch phá đê
>> Đóng cửa 8 lò gạch thủ công
>> Sống trong khói lò gạch
>> Hàng loạt lò gạch gây ô nhiễm
>> Ngộ độc khí lò gạch, 3 người tử vong
Bình luận (0)