Lo lắng
Gần đây, người tiêu dùng (NTD) lo ngại với thông tin thực phẩm chứa phẩm màu tổng hợp hóa học Tartrazine (E102).
Chị N.T (ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Gia đình tôi thường dùng mì gói, nhưng gần đây xem quảng cáo trên ti vi thấy người ta nói, khi cho nước sôi vào tô mì, nếu mì chuyển màu vàng là có độc nên lo quá, vì lâu nay loại mì nào mà không có nước màu vàng?”. Chị L.T.T (Q.Tân Bình) nói: “Gần đây xuất hiện loại mì gói có ghi khuyến cáo là “sợi mì không nhuộm phẩm màu tổng hợp hóa học. Vậy các loại mì khác có à? Không biết thực hư thế nào?”.
Một số thông tin đăng tải cho rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy, phẩm màu tổng hợp E102 được chứng minh làm tăng sự hiếu động thái quá ở trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng chức năng sinh sản của nam… Đồng thời cho rằng, một số quốc gia kiểm soát chặt việc sử dụng E102 trong thực phẩm. Chẳng hạn Nhật Bản đã cấm sử dụng E102 trong một số thực phẩm, trong đó có mì gói. Hay EU yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi các thông tin cảnh báo trên bao bì sản phẩm có sử dụng chất E102, về ảnh hưởng của nó đối với người sử dụng…
Cơ quan chức năng không cấm
Trước những thông tin không chính thức về phẩm màu E102, ngày 6.7 vừa qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế đã thông tin trên website của Cục, phẩm màu E102 hiện đang được nhiều nước trên thế giới cho phép dùng trong đó có VN.
Cục ATVSTP đã nhiều lần tham khảo ý kiến các chuyên gia và đã tư vấn trực tiếp với các chuyên gia về phụ gia thực phẩm tại hội nghị Đại hội đồng Codex (Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) thế giới lần thứ 34 tại Thụy Sĩ (từ ngày 4-10.7.2011)... Năm 2009, trước thông tin một số kết quả nghiên cứu đơn lẻ cho rằng E102 có thể gây dị ứng,
Cơ quan an toàn thực phẩm châu u, Codex đã giao các Ủy ban Khoa học của mình nghiên cứu lại và kết quả cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận E102 gây các tác động mà một vài nghiên cứu nói trên nêu ra. Hiện tại chỉ có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hạn chế việc sử dụng phẩm màu này do lo ngại vấn đề dị ứng thức ăn, vốn có ở một tỷ lệ cao trong cộng đồng dân cư mà khó phân biệt dị ứng có thể do E102 hay do bản thân thực phẩm. Còn hầu hết các nước của EU, Mỹ và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm...
Cho đến thời điểm hiện nay, Cục nhận thấy, nếu phẩm màu này được sử dụng đúng hàm lượng theo quy định thì vẫn bảo đảm an toàn. Cục ATVSTP tiếp tục cập nhật trên cơ sở tư vấn của Ban Kỹ thuật phụ gia thực phẩm thuộc Ủy ban Codex VN, và phân tích các tài liệu khoa học của thế giới đối với E102 để đưa ra các khuyến nghị kịp thời và chính xác nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng...
Cần công bố rộng rãi Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng cần có một hội thảo khoa học, nói về phẩm màu E102, xem thực chất nó có gây hại cho sức khỏe hay không và công bố rộng rãi. Thông tin về chất E102 của Cục ATVSTP đã có, nhưng chỉ mới có trên trang web của Cục, vì thế rất nhiều NTD không hề biết, nên đến thời điểm này họ vẫn còn lo ngại. Bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ NTD (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) đề nghị, cơ quan chức năng cần thông báo rộng rãi để NTD biết chất E102 có độc hại hay không; được phép sử dụng như thế nào… nhằm tránh hoang mang trong dư luận. |
Thanh Tùng - Hoàng Việt
Bình luận (0)