Hàn Quốc hiện có khoảng 500 chuyên gia mạng, trong khi Seoul hồi năm ngoái ước tính “đội quân mạng” của CHDCND Triều Tiên tăng gấp đôi trong 2 năm, lên tới 6.000, theo Reuters. Nhằm rút ngắn khoảng cách này và ứng phó các mối đe dọa tấn công mạng, Bộ Khoa học - Công nghệ thông tin truyền thông và Hoạch định tương lai Hàn Quốc từ năm 2013 đã đưa ra kế hoạch đào tạo 5.000 chuyên gia an ninh mạng, hay còn được gọi “tin tặc mũ trắng”, theo tờ The Korea Herald. Trong số này có 1.260 người sẽ được bồi dưỡng bởi các cơ quan chính phủ, Khoa Phòng thủ mạng của Đại học Hàn Quốc, Viện Công nghệ thông tin Hàn Quốc (KITRI) và Cơ quan An ninh và Internet Hàn Quốc.
Chương trình bí mật
Trong những cơ sở đào tạo nói trên, Khoa Phòng thủ mạng của Đại học Hàn Quốc được đánh giá là cơ sở hàng đầu trong các chương trình luyện chiến binh mạng. Khoa này đào tạo chỉ 30 sinh viên/năm, nội dung cụ thể về chương trình lẫn thông tin về sinh viên được giữ bí mật tuyệt đối. Một sinh viên tham gia chương trình chỉ được phép tiết lộ mang họ Noh chia sẻ với Reuters: “Trở thành chiến binh mạng có nghĩa là dành hết cuộc đời phục vụ cho đất nước của tôi”.
Tham gia giảng dạy chương trình từ năm 2012, Giáo sư Jeong Ik-rae tại Đại học Hàn Quốc cho Reuters hay ngoài việc miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ 500.000 won (427 USD)/tháng để chi tiêu. Đổi lại, họ phải cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ ít nhất 7 năm trong đơn vị tác chiến mạng của quân đội Hàn Quốc. Theo Giáo sư Jeong, để được tuyển chọn vào chương trình đặc biệt này, các ứng cử viên phải trải qua 3 ngày phỏng vấn và kiểm tra thể chất, với sự tham dự của nhiều sĩ quan và giáo sư. Sau khi được chọn, họ sẽ được đào tạo về xâm nhập mạng, toán học, mật mã và sẽ diễn tập tấn công hoặc phòng thủ mạng theo những kịch bản do công ty an ninh cung cấp.
Cũng theo ông Jeong, chương trình nói trên có thể được so sánh với chương trình Talpiot hàng đầu của Israel, chuyên đào tạo những sinh viên có năng khiếu trong các lĩnh vực như công nghệ, khoa học ứng dụng và tác chiến. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể tập trung vào an ninh mạng và phòng thủ tên lửa. “Điều quan trọng là phải có kỹ năng để ứng phó khi các cuộc tấn công xảy ra”, ông Jeong nhấn mạnh và cho rằng một nhóm nhỏ chiến binh mạng tài năng và được đào tạo tốt vẫn có thể đánh bại lực lượng vượt hẳn về quân số của Triều Tiên.
“Đỉnh của đỉnh”
Tương tự, KITRI đào tạo một chương trình đặc biệt mang tên “Giỏi nhất trong số những người giỏi nhất”, nhắm tới những sinh viên tài năng có thể trở thành chuyên gia mạng trong tương lai. Chương trình đào tạo kéo dài khoảng 6 tháng, tuyển chọn học sinh, sinh viên dựa trên kiến thức về tin học. Họ được đào tạo về nhiều lĩnh vực, trong đó có phân tích nguy cơ bị tấn công, tư vấn an ninh và tiến hành diễn tập chiến tranh mạng với bạn cùng lớp. Một thành viên ban cố vấn của chương trình tiết lộ với tờ The Korea Herald rằng đây là chương trình tập trung chuyên sâu cao độ nên những sinh viên không đủ sức theo học sẽ bị loại nhanh chóng. Bằng chứng là có khoảng 60 ứng viên được chọn cho khóa học bắt đầu tháng 7.2012, nhưng đến tháng 12 chỉ còn có 20 học viên và sau khi hoàn tất thêm 2 tháng về chiến tranh mạng thì chỉ có 6 người được cấp chứng nhận “Giỏi nhất trong số những người giỏi nhất” cùng 20 triệu won (trên 17.000 USD). Sau khi tốt nghiệp, mỗi học viên được giới thiệu cho các công ty hoặc cơ quan chính phủ mà họ muốn làm việc, không nhất thiết phải vào làm việc ở Bộ Tư lệnh mạng của quân đội Hàn Quốc (được thành lập vào năm 2010). “Tuy nhiên, chương trình này đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp của tôi. Vì thế, tôi có thể làm việc trong Bộ Tư lệnh mạng quân đội. Điều trớ trêu là chính các cuộc tấn công mạng từ miền bắc dẫn đến việc quan tâm và đầu tư vào an ninh internet ở quốc gia chúng tôi”, học viên Cheon Joon-sahng chia sẻ với AFP khi tốt nghiệp chương trình.
Cũng nhằm tìm kiếm tài năng mạng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cùng Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) của nước này từ năm 2013 đã phối hợp tổ chức “Cuộc thi mũ trắng” thường niên, với sự giám sát của Bộ Tư lệnh mạng. Ngoài giải thưởng, những người chiến thắng sẽ được NIS tạo điều kiện tham dự các sự kiện an ninh toàn cầu, được cộng thêm điểm khi nộp đơn xin vào phục vụ Bộ Tư lệnh mạng trong thời gian nhập ngũ cũng như lúc nộp đơn xin việc tại NIS hoặc Cơ quan Cảnh sát quốc gia của Hàn Quốc, theo tờ The Korea Times.
Cuộc chiến bất cân xứng
Hàn Quốc được cho là tăng cường khả năng mạng sau khi tố giác Triều Tiên đứng sau 2 vụ tấn công lớn vào năm 2009 và 2011, nhưng miền bắc dường như vẫn thành công trong cuộc chiến tranh mạng với miền nam. Bằng chứng là đến ngày 1.4.2013, Seoul tiếp tục cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn đánh sập khoảng 48.000 máy tính và máy chủ tại 3 mạng truyền hình lớn cùng 3 ngân hàng ở Hàn Quốc, theo Yonhap. Hồi tuần trước, Hàn Quốc lại tố tin tặc Triều Tiên lấy cắp trên 40.000 tài liệu liên quan đến quốc phòng, trong đó có bản thiết kế cánh chiến đấu cơ F-15 do Mỹ sản xuất, sau khi xâm nhập hơn 140.000 máy tính tại 160 công ty và cơ quan chính phủ ở miền nam, theo Reuters.
Giới chuyên gia đánh giá Hàn Quốc và Triều Tiên đều có mục đích khác nhau về sự phân bổ công nghệ thông tin. Mức độ xâm nhập và tốc độ đường truyền internet băng thông rộng ở Hàn Quốc nằm trong số cao nhất thế giới trong khi Triều Tiên có một mạng nội bộ chỉ cho phép một số ít người sử dụng để trao đổi thông tin được nhà nước phê duyệt. Đơn vị chiến tranh mạng của Triều Tiên có quân số nhiều hơn gấp 10 lần chiến binh mạng của Hàn Quốc, theo Yonhap. Do đó, Bộ Tư lệnh mạng Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào các biện pháp phòng vệ để bảo vệ các mạng an ninh nhạy cảm. “Điều này thật sự giống như chiến đấu cho một cuộc chiến không cân xứng. Rất khó đối đầu với cuộc tấn công từ miền bắc”, Giám đốc Trung tâm đào tạo của KITRI Choi Yun-Seong nhận định với AFP.
|
Bình luận (0)