Phản ứng nguy hiểm
Sau cuộc họp bất thường của Hội đồng đánh giá tai biến sau tiêm chủng, ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lo lắng: “Sự xuất hiện với tần suất cao hơn các ca tai biến sau tiêm Quinvaxem khiến chúng tôi rất lo ngại. Chưa đủ bằng chứng để khẳng định do chất lượng vắc xin nhưng cũng không loại trừ vì trước khi tiêm, 5 trẻ tử vong đều có sức khỏe bình thường”.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tai biến được khuyến cáo với Quinvaxem (tử vong là 0,17/triệu liều và phản ứng nặng là 0,69/triệu liều). Với 4,5 triệu liều vắc xin tiêm/năm chỉ có thể có tối đa 1 ca tử vong và 4 phản ứng ca nặng/năm. Nhưng trong vòng 1 tháng (từ 12.2012 - 1.2013) dồn dập xảy ra liên tục 7 ca tai biến nặng, trong đó 5 tử vong sau tiêm Quinvaxem là con số bất thường so với tỷ lệ tai biến chung.
Tuy nhiên, “VN vẫn chấp nhận tiêm vắc xin này, bởi Quinvaxem tiêm miễn phí cho trẻ em VN là vắc xin có giá rẻ (77.000 đồng/liều), được viện trợ không hoàn lại giúp 4-5 triệu liều tiêm miễn phí/năm. Đây vẫn là vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng”, GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, giải thích.
Hết sức cẩn trọng
“Các tai biến xảy ra dồn dập, với các lô vắc xin khác nhau, tại các địa phương khác nhau (Nghệ An, Hà Nội, Kiên Giang, Bình Định) và trước đó ở Thanh Hóa, Lâm Đồng) vì vậy cần rất cân nhắc khi duy trì việc tiêm vắc xin này” GS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Theo GS Trịnh Quân Huấn, Quinvaxem là vắc xin “5 trong 1” (phòng 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib) giúp giản tiện trong việc tiêm chủng. Một mũi tiêm này thay thế cho 3 mũi tiêm đơn liều. Tuy nhiên, cần lưu ý, Quinvaxem có thành phần giúp tạo kháng thể đối với bệnh ho gà. Thành phần “ho gà” này có đặc điểm là gây phản ứng mạnh, thậm chí phản ứng nguy hiểm.
Theo GS Hiển, “vắc xin “5 trong 1” thế hệ mới tinh khiết hơn, an toàn hơn và các phản ứng nhẹ hơn chưa thể cung cấp miễn phí tại VN vì không có kinh phí. Vắc xin này giá quá cao so với khả năng chi trả cho số đông (khoảng 550.000 đồng/liều; một trẻ cần tiêm 3 liều) nên hiện nay chỉ có thể tiêm dịch vụ”.
GS Huấn cho biết, phản ứng của thành phần có trong Quinvaxem thường tác động tới hệ thần kinh của trẻ với các biểu hiện: sốt cao, co giật, tím tái. Vì vắc xin gây phản ứng mạnh do đó không nên tiêm cho các trẻ có cơ địa dị ứng. Thận trọng khi các trẻ có cha mẹ có cơ địa dị ứng (hen, viêm mũi dị ứng, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn...).
Đặc biệt, GS Huấn lưu ý: gia đình theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ sau tiêm. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm khi có sốt, quấy khóc, đặc biệt là sốt cao, sưng tấy vết tiêm, co giật sau tiêm. Cần theo dõi trẻ sát sao trong vòng 2-5 ngày sau tiêm đề phòng phản ứng chậm vì có trẻ tử vong sau tiêm 96 tiếng, dù trước tiêm sức khỏe bình thường. Với các trẻ tiêm Quinvaxem nên đưa đến bệnh viện ngay cả khi có biểu hiện vẫn được coi là nhẹ: quấy khóc nhiều, sốt và sưng tấy vết tiêm.
Liên Châu
Bình luận (0)