Lo ngại E.coli chủng mới lây lan

07/06/2011 02:21 GMT+7

Chủng E.coli mới đang đe dọa châu u, với 20 người tử vong và hơn 2.000 người mắc bệnh. Cơ quan quản lý và nhà chuyên môn cảnh báo nguy cơ lây lan E.coli chủng mới sang các nước khác.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: “Tại VN vấn đề E.coli không là mới mẻ vì đây là vi khuẩn dạng “sẵn có”. Hiện tại chúng ta vẫn chờ ý kiến từ WHO về chủng E.coli đang gây dịch ở Đức có gì khác biệt so với chủng E.coli tại VN hay không. Do vậy, việc dự phòng lây lan E.coli chủng mới vào VN cần được đặt ra”.

Liên quan đến bệnh tán huyết do vi khuẩn E.coli tại châu u, ông Bình cho biết thêm: "Theo thông tin chúng tôi nhận được từ WHO, bệnh này bùng phát tại Đức từ 25.4 vừa qua cho đến nay đã lan truyền đến nhiều nước châu u: Hungary, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Pháp và Czech. Bệnh do chủng E.coli O157:H7, lây truyền thông qua việc sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn E.coli hoặc qua phân của người, gia súc nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 3-8 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện: đau quặn bụng, đi ngoài ra máu, có thể có nôn và sốt. Trường hợp mắc bệnh nặng có thể tăng u-rê huyết và tan máu gây suy thận và tử vong”.

TS BS Trần Tịnh Hiền (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM) nói thêm: “Với E.coli những dòng thông thường lâu nay có trong nước thì không có gì đáng sợ, thường chúng chỉ gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhưng với chủng E.coli mới là EHEC mà châu u công bố đã khiến nhiều người mắc và tử vong, nhưng quan trọng là nguồn lây bệnh vẫn chưa được xác định, nên khiến người ta lo ngại”.  

Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, phụ trách phía Nam) cho rằng, người tiêu dùng cần cảnh giác, và cơ quan chức năng cần tìm hiểu, theo dõi, vì khuẩn E.coli mới có thể lây lan sang các nước ngoài châu u. Cụ thể đó là người tiêu dùng nên ưu tiên việc ăn chín uống sôi trong thời điểm đang xảy ra dịch bệnh này. Trường hợp nào thích ăn sống quá thì cần ngâm rửa thật cẩn thận, và quan trọng là cần biết về xuất xứ nguồn gốc rau củ quả tươi.

 Ông Nguyễn Đông Hải - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Viet Farm (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) - một đơn vị chuyên sản xuất rau củ quả tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, cho rằng: “Với rau củ quả tươi, ngoài phần lớn nhập từ Trung Quốc, thì cũng có một lượng ít hơn chúng ta nhập từ châu u như: cà chua, dưa chuột loại quả nhỏ ngâm, khoai tây... Do vậy, cần lưu ý kiểm soát để không bị lây nhiễm nguồn dịch bệnh từ những thực phẩm nhập khẩu”. 

Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản chỉ đạo các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua cửa khẩu.

TS-BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết: “Trước tình trạng dịch bệnh nhiễm E.coli mới ở châu u, chúng tôi cũng vừa chỉ đạo các bệnh viện, hệ thống điều trị, dự phòng thực hiện giám sát các ca bệnh. Nếu tiếp nhận ca bệnh có những biểu hiện nghi ngờ thì báo cáo ngay cho Sở Y tế để tìm hiểu, điều tra dịch tễ. Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP cũng đang rà soát, nắm bắt những mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ châu u để theo dõi”.  

Thanh Tùng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.