Phát biểu tại Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Sơn (TP.Đà Nẵng) nêu thực trạng chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến nay chưa được xử lý triệt để. “Thống kê cho thấy, tổng giá trị vốn thuộc sở hữu nhà nước từ 50% trở lên trong các doanh nghiệp là 5,4 triệu tỉ đồng. Số người nhà nước tham gia quản lý khối tài sản này không hề nhỏ. Đi cùng với nó là chế độ, quyền lợi, là chính sách”, ĐB Sơn nói và đặt ra câu hỏi có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong câu chuyện này dẫn đến việc cản trở chủ trương cổ phần hóa DNNN?
“Thật khó để trả lời là không, khi mà ở đâu đó, hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư, làm giàu một cách rõ ràng không bình thường vẫn đang diễn ra. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này”, ĐB Sơn nhấn mạnh. Chia sẻ quan điểm trên, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ cần đánh giá và làm rõ hơn về tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN có dấu hiệu chậm lại thời gian qua. ĐB Hùng cho hay trong năm 2016, có 56 DNNN được phê duyệt với phương án cổ phần hóa là con số rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015. Trong những tháng đầu năm 2017, mới có 9 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
ĐB Hùng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp ngay với 12 dự án kém hiệu quả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Các dự án trên đã có tổng mức đầu tư hơn 63.000 tỉ đồng, đến nay tổng lỗ lũy kế của 10 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng thua lỗ và ngừng sản xuất là trên 16.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 22,56% (khoảng 14.300 tỉ đồng), tổng nợ phải trả trên 55.000 tỉ đồng.
Giải trình về lý do Chính phủ giữ quan điểm quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết nhu cầu của VN đang cần phát triển nhanh để chống tụt hậu. Việc giữ mục tiêu tăng trưởng cũng nhằm tạo động lực cho phát triển các giai đoạn tiếp sau cũng như duy trì sự ổn định của các chỉ tiêu lớn như nợ công, thu ngân sách, tạo việc làm, bảo vệ môi trường… góp phần phát triển KT-XH và ổn định chính trị. Bộ trưởng Dũng cũng cho hay quan điểm nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường và ổn định kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng.
Trả lời băn khoăn được nhiều ĐB đặt ra về việc khai thác thêm một triệu tấn dầu cho tăng trưởng có bền vững không, Bộ trưởng Dũng cho hay năm 2016 thực tế đã khai thác 15,2 triệu tấn. Trước xu hướng giá dầu phục hồi tốt và khả năng có thể khai thác được, Chính phủ quyết định tận dụng cơ hội này để khai thác thêm một triệu tấn dầu cho tăng trưởng. “Mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra được cho là cao, nhưng Chính phủ thấy hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu với điều kiện là triển khai đồng bộ các giải pháp, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, kể cả người dân”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Thận trọng việc bỏ biên chế giáo viên
Cũng tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT sớm soạn thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD-ĐT để các cơ sở giáo dục có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai Nghị định 16/2015 của Chính phủ.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã đặt vấn đề nghiên cứu, đề xuất chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng mà trước hết sẽ thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện, sau đó sẽ tổng kết, nhân rộng. Bộ trưởng Nhạ cũng cho hay đang nghiên cứu đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng nhà giáo, đổi mới theo Nghị quyết 29. “Trong Nghị quyết 29 cũng nêu rõ năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực phẩm chất, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng việc chuyển trường học, bệnh viện từ khu vực sự nghiệp công sang mô hình như doanh nghiệp là rất mới, chưa chính thức vận hành nhưng đã có nhiều bất cập như việc các bệnh viện bị xuất toán hàng loạt khoản BHYT, giáo viên vùng cao đồng loạt bỏ biên chế, trục lợi bảo hiểm y tế, lạm dụng kỹ thuật cao trong y tế diễn ra tràn lan. Vì vậy, cần rất thận trọng khi triển khai chính sách này. “Nếu bỏ công chức trong giáo dục, y tế cần những chính sách rất cụ thể cho từng vùng miền, có xét đến những đặc trưng về địa chính trị khác nhau, tránh sự sụp đổ của mạng lưới mà phải mất rất nhiều năm mới xây dựng được”, ĐB Hiếu nói.
Bức xúc về hiện tượng “chạy”
Phó bí thư Yên Bái “thanh minh” về công tác nhân sự
“Lo đồng tiền dẫn dắt chính sách” là tâm tư của ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nêu ra trong phiên thảo luận và ông dẫn ra hiện tượng “chạy” đang phổ biến hiện nay.“Khi đi làm thì phải chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển... Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy án và thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi VN chưa có hiệp định dẫn độ tội phạm để an thân”, ĐB Phong nói.
Cũng theo ĐB Phong, người dân không thể an tâm khi “rừng đã hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau không còn”. “Chúng ta đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc. Tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không thể mua lại được môi trường”, ĐB Phong nói.
* Phát biểu trước QH chiều qua, ĐB Dương Quang Thống, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, đã dành phần lớn thời gian nói về một số vấn đề trong công tác cán bộ tại tỉnh này. Trước đó, báo cáo của Chính phủ trình bày đầu kỳ họp đã nêu một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận, trong đó có tỉnh Yên Bái. Ông Thống cho biết “xin tiếp thu” và cùng tập thể lãnh đạo Yên Bái tiếp tục xem xét khắc phục, rút kinh nghiệm một số vấn đề không đúng trong quản lý cán bộ.
Về thông tin nhiều cơ quan của UBND tỉnh Yên Bái thừa cấp phó, ông Thống cho hay Yên Bái có 4 sở còn thừa phó giám đốc do sáp nhập nhiều năm nay, “anh em không đi đâu được phải để lại”. Lý giải về việc lãnh đạo địa phương bổ nhiệm người nhà, ông Thống cho rằng “cơ chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo, định hướng, giới thiệu, còn quyết định thì tập thể. Chúng tôi là Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên phải quyết định các đề nghị”.
“Chúng tôi giới thiệu bổ nhiệm đồng chí đó (tức ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh, em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - TN) khi thấy đồng chí đã có đủ điều kiện như chứng chỉ cao cấp lý luận chính trị, bằng cấp chính quy. Đồng chí ký quyết định bổ nhiệm hành chính thì Đảng phân công, HĐND bầu, Chính phủ phê duyệt. Đấy là trường hợp đặc biệt thôi”, ông Thống nói.
|
Đề nghị lùi thời điểm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc, có thể kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới nhằm đảm bảo chất lượng và tính khả thi.
Nội dung này được nêu trong báo cáo kết quả phiên họp chuyên đề về thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ sở của đề nghị này là mối quan ngại về lộ trình thực hiện và các điều kiện đảm bảo cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT đang triển khai. Theo đó, nếu theo đúng lộ trình thì chỉ còn 15 tháng nữa là chương trình SGK mới sẽ được triển khai, trong khi vẫn còn nhiều công đoạn phải thực hiện: thông qua chương trình tổng thể, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các bộ SGK, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên... Áp lực thời gian có thể ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của chương trình và SGK mới. Ngoài ra, các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có nhiều biến chuyển, các địa phương và các cơ sở còn chưa sẵn sàng vào cuộc. Đội ngũ giáo viên dạy phổ thông cũng là một vấn đề đáng phải lưu tâm.
Quý Hiên
|
Bình luận (0)