Kinh tế sụt giảm, doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, Nhà nước phải trả nợ thay nhiều khoản bảo lãnh, cùng với điều kiện cho vay khắt khe, lãi suất vay đắt... khiến nợ công ngày trở nên đáng lo ngại.
|
Theo số liệu Chính phủ báo cáo về nợ công (gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ địa phương), mức 55,4% GDP trong 2012 tăng hơn so với 2011 (54,9% GDP) nhưng thấp hơn 2010 (56,3% GDP). Trong nợ công 2012, nợ Chính phủ chiếm chủ yếu, hơn 1,2 triệu tỉ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh 345.875 tỉ đồng, còn nợ chính quyền địa phương chỉ chiếm khoảng 15.650 tỉ đồng.
Mặc dù Chính phủ khẳng định nợ công vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn (dưới 60% GDP) và ở mức độ bình thường so với các quốc gia khác, nhưng xu hướng nợ công đang diễn biến không tích cực. Thứ nhất, VN đang đứng trước áp lực nợ vay nước ngoài quá lớn dù đang cố gắng cơ cấu lại để quay sang vay trong nước. Cụ thể, nợ nước ngoài gần 1,3 triệu tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 118.700 tỉ đồng và trung hạn hơn 1,1 triệu tỉ đồng; tăng khá mạnh so với số nợ 836.765 tỉ đồng của năm 2010, năm bắt đầu thực hiện luật nợ công. Thứ hai, về lãi suất vay, Chính phủ khẳng định phần lớn các khoản vay nước ngoài có thời hạn dài với lãi suất ưu đãi (vay ODA), trong đó khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) có thời hạn 40 năm, 10 năm ân hạn, không lãi và phí quản lý là 0,75%/năm. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là chủ nợ vay nước ngoài lớn nhất chiếm 17%, tiếp theo là WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đáng lưu ý, nợ vay của Nhật có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn nhưng lãi suất từ 1%-2%/năm.
Gánh nợ bảo lãnh
Điều đáng nói trong cơ cấu nợ công là Chính phủ đang bất đắc dĩ trở thành con nợ thay cho nhiều DN bởi nhiều khoản bảo lãnh cho các dự án không hiệu quả. Chính phủ không báo cáo con số của năm 2012 mà chỉ đưa ra con số đến hết năm 2011. Theo đó, dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 31.12.2011 hơn 32 tỉ USD, bằng 26,5% GDP (tổng nợ nước ngoài của quốc gia cùng thời điểm này là hơn 1 triệu tỉ đồng).
Riêng bảo lãnh vay nước ngoài là gần 10,5 tỉ USD cho 91 dự án, trong đó có 20 dự án đã hoàn trả hết, còn 71 dự án đang trả nợ với tổng vốn cam kết 9,83 tỉ USD. Trong số này, ngành điện được ưu ái nhất với 5,5 tỉ USD, kế đến là hàng không 1,7 tỉ USD, xi măng gần 1,2 tỉ USD, dầu khí hơn 460 triệu USD, giấy 400 triệu USD... Hiệu quả cụ thể của từng dự án chưa rõ, nhưng tại báo cáo này Chính phủ thừa nhận việc cấp và quản lý bảo lãnh cũng phát sinh tồn tại. Đặc biệt, một số dự án đầu tư gặp khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài như xi măng với 5/16 dự án, ngành giấy là 2/4 dự án...
Ngoài nguyên nhân khách quan, báo cáo chỉ rõ, việc phối hợp chặt chẽ giữa người được bảo lãnh và các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý ngành chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chủ động và sâu sát... nên Bộ Tài chính gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát và theo dõi các chương trình, dự án được chính phủ bảo lãnh.
Thiếu nhất quán trong hạch toán Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012: “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” của Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cũng chỉ ra rằng thâm hụt ngân sách liên tục trong những năm gần đây của VN đã kéo theo sự gia tăng nhanh của nợ công. Tổng nợ công của VN đã tăng khoảng 40% GDP từ cuối 2007 lên 57% vào cuối 2010 và chỉ giảm đôi chút vào 2011 nhờ lạm phát cao. Cùng thời gian đó, nợ nước ngoài của VN cũng tăng từ mức 32% GDP lên tới gần 42% GDP. Tuy nhiên, những con số này chưa phản ánh đúng bản chất của thâm hụt tài khóa và nợ công của VN. Theo đó, VN có những khoản hạch toán riêng không theo thông lệ quốc tế, nhiều khoản chi ngân sách từ trái phiếu Chính phủ cho y tế, giáo dục, thủy lợi... được để ngoại bảng và không được tính đầy đủ vào thâm hụt ngân sách, nợ công như thông lệ quốc tế. Ngoài ra, chi cho các công trình lớn kéo dài cũng được phân bổ dần vào quyết toán ngân sách nhiều năm chứ không tính cả vào năm trái phiếu được phát hành để vay nợ. Sự thiếu nhất quán trong cách hạch toán tài khóa khiến các con số thống kê không phản ánh chính xác về thực trạng nợ công của VN, gây nhiễu loạn thông tin cho người tham gia thị trường. Ngoài ra, còn một lượng lớn nợ của các DN nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh cũng không được phản ánh trong bội chi ngân sách và nợ công hằng năm của VN như thông lệ và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế là điều đáng lo ngại khi kiểm soát nợ công. Anh Vũ |
Anh Vũ - Nguyệt Minh
>> Rủi ro nợ công
>> Nợ công của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro
>> Kiểm soát chặt chẽ nợ công
>> Vinashin và nợ công
Bình luận (0)