Lo 'trăm hoa đua nở' đầu mối xuất khập khẩu xăng dầu

Chí Hiếu
Chí Hiếu
21/12/2020 06:23 GMT+7

Bộ Tài chính và Bộ Công an đều cảnh báo Bộ Công thương về nguy cơ phát triển nóng, "trăm hoa đua nở" số lượng đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu.

Cả Bộ Tài chính và Bộ Công an đều cảnh báo về nguy cơ phát triển nóng, "trăm hoa đua nở" số lượng đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, song đại diện Bộ Công thương cho rằng không hề có sự phát triển nóng và con số sẽ còn tăng.
Những cảnh báo trên được đưa ra khi góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Gấp gần 10 lần Trung Quốc, Nhật Bản

Bộ Công an dẫn số liệu cho biết, hiện cả nước có 38 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong khi nhiều nước công nghiệp phát triển có số lượng DN đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ít hơn Việt Nam rất nhiều. “Con số này của Nhật Bản là 4. Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore là 5 DN. Vì vậy, để tránh tình trạng trăm hoa đua nở về đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, dự thảo nên quy định theo hướng chỉ cấp phép cho DN, không cấp cho cá nhân kinh doanh độc lập”, Bộ Công an đề nghị. Tương tự, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương “nghiên cứu, có quy định kiểm soát số lượng các thương nhân đầu mối xăng dầu để không phát triển nóng”.
Dù vậy, trả lời Thanh Niên về những lo ngại phát triển nóng nói trên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), đơn vị trực tiếp chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định sửa đổi, lại cho rằng số lượng DN đầu mối hiện nay có 38 không phải là nhiều, cũng không hề có sự phát triển nóng nếu nhìn lại quá trình phát triển của các DN xăng dầu từ các đời nghị định 84, 83.
“Với tốc độ phát triển và quy mô kinh tế của Việt Nam, cùng với chủ trương cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, thì số lượng trên không phải là nhiều và sẽ còn phát triển tiếp trong thời gian tới nếu đáp ứng đủ điều kiện”, ông Đông lập luận và nhấn mạnh, càng nhiều DN tham gia sân chơi thì thị trường càng cạnh tranh, nguồn cung được đảm bảo tốt hơn, có lợi cho người tiêu dùng và chi phí, yếu tố đầu vào của sản xuất.
Cần phải nhắc lại rằng, đến năm 2012, cả nước mới chỉ có 13 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Tới năm 2014, con số này tăng lên 18 thương nhân đầu mối và 1 năm sau đó (năm 2015) cũng chỉ mới là 19 đầu mối. Tại thời điểm tháng 8.2019, con số DN đầu mối được ghi nhận tăng lên 32 và hơn 1 năm sau, số liệu trên trang web của Bộ Công thương cho biết đang có 38 DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Sức hút từ kẽ hở “lậu”

Điều đáng nói là, nếu như trước năm 2012, khi mà gần như tuyệt đại đa số xăng dầu trong nước đều là nguồn nhập khẩu, thì từ cuối 2018 đến nay, 70 - 80% sản lượng xăng dầu đến từ 2 nhà máy trong nước sản xuất là Dung Quất và Nghi Sơn. Sân chơi còn lại, chỉ tính 3 “ông lớn” nhà nước là Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex), Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty xăng dầu quân đội, cùng với một vài cái tên lâu năm như Sài Gòn Petro, Thanh Lễ, Dầu khí Đồng Tháp đã chiếm khoảng 80% thị phần, 25 đầu mối chia nhau miếng bánh khiêm tốn còn lại. Thế nhưng, số lượng các DN muốn gia nhập vào thị trường đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu vẫn không hề ít.
Lý giải cho sự “ngược đời” này, những người kinh doanh xăng dầu lâu năm cho rằng điều kiện để được cấp phép đầu mối không dễ, nhất là quy định về kho bãi, cầu cảng, hệ thống phân phối đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, song kẽ hở để “lậu” cả về số lượng và chất lượng chính là sức hút lớn nhất khiến nhiều người muốn bước vào thị trường này.
“Nếu khai lậu được số lượng, như tàu 10.000 m3 mà qua mặt được cơ quan chức năng, xuống còn 5.000 - 6.600 m3, thì lợi nhuận thu được là rất lớn. Hiện mỗi lít xăng đang bán lẻ 15.000 - 16.000 đồng, nếu là xăng nhập khẩu chính ngạch thì thuế phí cũng 5.000 - 6.000 đồng/lít. Nhưng nếu lậu được, thì với thói quen người tiêu dùng không lấy hóa đơn, họ dễ dàng đưa vào hệ thống chân rết là các cây xăng bán lẻ để hợp pháp hóa việc nhập nhiều nhưng khai ít”, một thương nhân đầu mối kể.
Đây cũng chính là nỗi lo được Bộ Công an lẫn Bộ Tài chính đề cập trong báo cáo góp ý cho dự thảo nghị định. “Thời gian qua, công tác quản lý số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu còn bất cập, sơ hở. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua lẻ không cần hóa đơn nên nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để tuồn xăng dầu giả, lậu với số lượng lớn ra tiêu thụ”, Bộ Công an lo ngại và dẫn chứng về vụ buôn bán xăng giả của đại gia Trịnh Sướng mới đây với số lượng xăng giả lên tới 137 triệu lít cùng 1,6 triệu lít dầu DO giả hay trước đó là vụ bắt giữ 2 triệu lít xăng giả tại Nghệ An.
Theo Bộ Tài chính, hiện mới chỉ có số ít DN đầu mối áp dụng hóa đơn điện tử (như Petrolimex, PVOil) và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, phần lớn còn lại chưa áp dụng thì khó có cơ sở để kiểm soát tốt đầu ra, đầu vào, hạn chế gian lận đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Do vậy, cùng với đề nghị kiểm soát không để phát triển nóng số lượng thương nhân đầu mối, bộ này cũng kiến nghị Bộ Công thương bổ sung quy định, sớm có lộ trình thực hiện hóa đơn điện tử là một trong những điều kiện để được phép kinh doanh xăng dầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.