Lo việc thả nổi phí quản lý chung cư

24/12/2011 00:43 GMT+7

Đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM không ban hành quyết định về giá dịch vụ nhà chung cư (CC) trên địa bàn TP đang gây lo lắng cho nhiều người dân vì sợ bị xử ép.

Đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM không ban hành quyết định về giá dịch vụ nhà chung cư (CC) trên địa bàn TP đang gây lo lắng cho nhiều người dân vì sợ bị xử ép.

 
Saigon Pearl thu phí chung cư  khoảng 0,8 USDm2 mỗi tháng, chưa kể phí giữ xe ô tô -  Ảnh: Diệp Đức Minh

Sợ bị kiện

Sau hàng loạt vụ kiện tụng, tranh chấp thậm chí dẫn tới xung đột giữa chủ đầu tư và cư dân về loại phí này, nhiều người đang chờ đợi khung giá chính thức ban hành. Thế nhưng, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng việc sử dụng dịch vụ nhà CC là giao dịch dân sự, do đó tùy thuộc bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở hợp đồng dân sự được điều tiết theo quy luật thị trường.

Một bất cập khác nếu nhà nước (UBND TP) ban hành quyết định công bố giá dịch vụ nhà CC, theo Sở Xây dựng, là khi có tranh chấp về mức giá này giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ nhà CC, các bên sẽ quay sang khiếu nại hoặc khiếu kiện quyết định công bố giá này. Trong khi giá cả dịch vụ, hàng hóa trên địa bàn TP luôn biến động, cơ quan nhà nước không thể điều chỉnh giá theo kịp xu thế biến động giá của thị trường.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP đưa ra đề xuất trên còn vì Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho dịch vụ công ích. Do đó, Sở chưa đủ cơ sở pháp lý để tham mưu cho TP ban hành quyết định giá dịch vụ nhà CC.

Ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng đề xuất trên là hợp lý bởi phí là do ban quản trị (do dân bầu ra) họp với dân để quyết định. Nhu cầu về dịch vụ ở từng CC khác nhau, nên sẽ có những mức phí khác nhau, không thể có một “khung” cứng nhắc. Tuy nhiên, nhà nước nên quy định bắt buộc ở các CC có một số dịch vụ cụ thể, nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của cư dân, còn mức giá do cư dân tự quyết định. “Những loại dịch vụ cơ bản trên nhà nước có thể ban hành khung giá, nhưng cũng chỉ mang tính tham khảo, không bắt buộc”, ông Hiếu đề xuất.

Sẽ loạn giá dịch vụ CC?

Tháng 12.2009, Bộ Xây dựng có thông tư giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định mức tối đa (mức giá trần) hoặc khung giá dịch vụ nhà CC theo từng cấp nhà, hạng nhà chung cư, chất lượng dịch vụ và tình hình thực tế của địa phương để áp dụng trên địa bàn tỉnh. UBND TP.HCM cũng đã giao cho Sở Xây dựng triển khai hướng dẫn việc phân hạng, quản lý, sử dụng nhà CC trên địa bàn TP.

Đề xuất trên của Sở Xây dựng TP.HCM đang khiến nhiều người dân ở CC lo lắng rằng quyền lợi của họ sẽ "lâm nguy", khi chủ đầu tư có thể ép họ đóng một mức phí dịch vụ cao, bất hợp lý. Bởi hầu hết các hợp đồng mua - bán nhà với chủ đầu tư hiện nay đều không đề cập mức phí cụ thể nên khả năng bị "ép" là điều khó tránh khỏi. Trong khi những cuộc tranh chấp giữa các cư dân với chủ đầu tư, bao giờ phần thiệt thòi cũng thuộc về các cư dân. Điển hình như cuộc “nội chiến” diễn ra tại tòa nhà Keangnam (Hà Nội) mới đây. Do một số người dân không chịu đóng mức phí dịch vụ cao ngất đến 21.000 đồng/m2/tháng nên chủ đầu tư đã cắt điện nước cả tòa nhà, khiến cuộc sống của người dân khốn đốn.

Ngay tại TP.HCM, tình trạng loạn giá phí CC cũng diễn ra gay gắt. Có các CC như của Hoàng Anh Gia Lai thu khoảng 3.500 đồng/m2/tháng, Phú Mỹ Hưng có dịch vụ cũng khá chuẩn chỉ khoảng 300.000 đồng/căn hộ/tháng... thì cũng có CC như Saigon Pearl (Q.Bình Thạnh) thu khoảng 0,8 USD/m2/tháng, chưa kể phí giữ xe ô tô là 90 USD/chỗ đậu. Hiện nhiều cư dân tại đây đang “tố” chủ đầu tư về mức phí quá cao này.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Hưng Gia Việt, cần ban hành mức phí chuẩn tối đa, tối thiểu bao nhiêu một m2 để khi xảy ra tranh chấp, còn có cơ sở phân xử. Nếu không đưa ra được mức trần phí quản lý thì nhiều chủ đầu tư sẽ lạm thu, gây bất lợi cho cư dân. Nhiều tranh chấp xảy ra trong thời gian qua cũng là do chưa có khung giá này. “Nếu sợ phức tạp mà ngại không ban hành thì sẽ đẩy bất lợi về cho người dân. Tranh chấp nhiều liên quan đến vấn đề phí quản lý nên cần có bên thứ 3 để điều hòa những mâu thuẫn này bằng một khung giá chuẩn”, bà Hương đề xuất.

Theo bà Hương, có thể chia làm 3 cấp độ là căn hộ cao cấp, trung bình, bình dân để đưa ra 3 mức giá phù hợp. Khung giá dịch vụ CC có thể không mang tính bắt buộc nhưng sẽ là cơ sở để chủ đầu tư và người dân tham khảo.

Nói về việc khách hàng và chủ đầu tư có thể đưa giá dịch vụ vào hợp đồng lúc ký mua căn hộ, bà Hương cho rằng điều này rất khó bởi căn hộ xây dựng mất cả mấy năm, nếu lúc ký đưa ra giá này, nhưng mấy năm sau liệu còn phù hợp, rất khó để đưa mức phí cụ thể nào vào hợp đồng ngay từ đầu.

Thiên Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.