Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, cần quyết tâm loại bỏ hoàn toàn khói thuốc lá.
Quá trình đốt cháy tạo ra khói, tàn, nhựa và hàm lượng các hóa chất gây hại cao, đặc biệt là hắc ín (tar). Khói thuốc tạo ra từ việc đốt cháy điếu thuốc lá sẽ sinh ra 40.000 độc chất, 4.000 - 7.000 tạp chất, 43 chất cực độc tác động trực tiếp đến phổi gây ung thư cũng như tất cả các cơ quan khác.
PGS-TS Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM cho biết nicotin trong thuốc lá gây nghiện nhưng không có bằng chứng gây bệnh COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) hay gây đột biến tế bào phát sinh ung thư phổi, vì tác dụng độc hại của thuốc lá thực sự nằm ở những độc chất có trong khói thuốc lá. Do đó, hút thuốc lá thụ động nguy hiểm không kém hút chủ động, thậm chí nguy hiểm hơn do khói thuốc không qua đầu lọc. Điều này rất nguy hiểm vì phụ nữ mang thai và trẻ em là 2 đối tượng rất nhạy cảm có thể dẫn đến những bệnh phổi mạn tính. Thậm chí không phát bệnh ung thư phổi thì cũng rất dễ bị nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi do hệ thống bảo vệ vật lý của đường hô hấp bị tổn thương, mất chức năng”.
So với thuốc lá điếu, khí hơi aerosol tỏa ra từ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có thành phần cấu tạo ít phức tạp hơn. Các nghiên cứu đến nay cho thấy trong khí hơi của thuốc lá làm nóng không có các hạt rắn và chứa ít chất hóa học hơn. Đồng thời các nghiên cứu về khí hơi từ thuốc lá làm nóng được thực hiện trong không gian kín như nhà hàng, văn phòng cũng chỉ ra, trong số 24 hợp chất được đo lường, chỉ có nồng độ của nicotin, acetaldehyde và glycerin được tìm thấy ở mức cao hơn không khí thông thường, dù vậy vẫn thấp hơn giới hạn phơi nhiễm được thiết lập trong các hướng dẫn về chất lượng không khí. Tuy nhiên, bản chất nicotin vẫn là chất gây nghiện và không thích hợp phơi nhiễm lên phụ nữ có thai, trẻ dưới tuổi vị thành niên, người già.
|
Gần đây, mặc dù Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép một loại thuốc lá làm nóng được kinh doanh là sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ - giảm thiểu phơi nhiễm (MRTP), cơ quan này vẫn nhấn mạnh rằng, quyết định này không có nghĩa là sản phẩm đó tuyệt đối an toàn, mà chỉ là sản phẩm thay thế giảm thiểu tác hại đối với những người chuyển đổi sang sử dụng hoàn toàn và ngừng hút thuốc lá điếu đốt cháy.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng công nhận rằng nicotin được cung cấp thông qua những sản phẩm có vị trí khác nhau trên chuỗi nguy cơ, trong đó gây hại nhất là thuốc lá điếu đốt cháy. Củng cố thêm dữ kiện này, bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Sức khỏe cộng đồng BMC năm 2016 cho biết sản phẩm thuốc lá không khói có hàm lượng nitrosamine thấp (ví dụ snus Thụy Điển…) và ANDS (hệ thống cung cấp nicotin thay thế) giảm thiểu tác hại đáng kể so với thuốc lá điếu.
Các chuyên gia y tế trong và ngoài nước đều khẳng định để loại bỏ hoàn toàn tác hại của khói thuốc lá, nên bỏ nicotin và thuốc lá đồng thời. Đối với thuốc lá thế hệ mới “tác dụng lâu dài có làm giảm tần suất COPD hay ung thư phổi thì cần có theo dõi dọc một thời gian dài mới chứng minh được. Nhưng về mặt logic, với nồng độ những chất gây COPD hay ung thư trong thuốc lá làm nóng thấp hơn nhiều so với thuốc lá điếu thì khả năng gây bệnh cũng sẽ giảm theo”, PGS-TS Trần Văn Ngọc nhận định.
Do đó, trong công tác kiểm soát thuốc lá, việc cấp thiết cần có là hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp đối với từng loại thuốc lá, dựa trên mức độ nguy cơ khác nhau, nhằm đến mục đích cuối cùng là giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá đối với chính người hút và cộng đồng xung quanh.
Bình luận (0)