Loại ngay khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, đùn đẩy trách nhiệm

18/07/2016 08:02 GMT+7

Đó là ý kiến của bạn đọc về bài viết Không làm được thì cách chức đăng trên Thanh Niên ngày 17.7.

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
Có những sự việc theo tôi là không quá lớn đến mức Thủ tướng phải chỉ đạo giải quyết. Thế mà, sau khi báo chí lên tiếng, phanh phui, Thủ tướng phải chỉ đạo thì địa phương mới giải quyết. Nói như thế để thấy rằng Thủ tướng đang bị địa phương, các cấp, ngành đùn đẩy cho quá nhiều trách nhiệm. Thiết nghĩ đã đến lúc phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Một khi đã không hoàn thành nhiệm vụ, gây hậu quả thì tự từ chức, nếu không sẽ bị cách chức.
Đào Hoàng Nguyên (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Ấn định trách nhiệm cá nhân
Đúng là cá nhân ẩn trách nhiệm vào tập thể là một “căn bệnh” nan y hiện nay. Việc nào có lợi cho cá nhân thì cá nhân lộ diện, việc nào không có lợi thì ẩn trách nhiệm vào tập thể. Theo tôi, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị cần ấn định trách nhiệm cho cá nhân. Vụ việc nào, cá nhân nào không giải quyết, thiếu trách nhiệm thì phải chịu kỷ luật. Không thể “phủ bênh phủ”, “huyện bênh huyện”, cán bộ bao che nhau, cấp trên bao che cấp dưới để rồi chỉ có người dân là chịu thiệt. Cơ quan nào không hoàn thành trách nhiệm, không làm được việc thì cách chức người đứng đầu cơ quan đó. Bộ phận nào trong một cơ quan không được việc thì cách chức người đứng đầu bộ phận đó. Làm kiên quyết như vậy thì bộ máy nhà nước mới chạy tốt, người dân đỡ khổ, đất nước phát triển nhanh.
Nguyễn Thị Quỳnh (P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM)
Học hỏi người ta !
Biết đến khi nào cán bộ công chức ở nước ta mới được như công chức ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản..., tự thấy không làm được thì xin từ chức. Họ rất tự trọng và hết lòng vì cái chung... Tôi chắc rằng chỉ đến lúc ấy thì người dân mới hết bị làm phiền, công việc ở các cơ quan công quyền mới không bị ách tắc. Mong lắm thay !
Nguyễn Hoàng (H.Nhà Bè, TP.HCM)
Chịu làm thì rất nhanh
Có những vụ việc nếu chính quyền địa phương chịu giải quyết cho dân thì chỉ mất chưa đến 1 tuần là xong. Ấy vậy mà cán bộ, thủ trưởng cơ quan đó cứ “ngâm” hồ sơ hoặc “lãng quên” vì lý do này hay lý do kia. Đến khi người dân kêu cứu và phương tiện truyền thông lên tiếng, cấp trên chỉ đạo giải quyết thì chỉ trong vòng vài ngày là đã có kết quả. Nói như thế để thấy trách nhiệm của cán bộ, của thủ trưởng cơ quan và của cả bộ máy cơ quan đó vẫn còn rất thiếu. Tinh thần vì nước, vì dân chưa cao bằng vì mình. Vì thế, phải mạnh tay loại khỏi bộ máy những người yếu kém, đùn đẩy trách nhiệm.
Đỗ Nguyên Đức (TP.Tân An, Long An)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Cách chức thủ trưởng, cán bộ không làm được nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Thứ nhất, người Việt chưa có thói quen cấp trên thẳng tay cách chức cấp dưới bởi văn hóa vị nể. Hơn thế, quy trình cách chức một cán bộ hiện khá nhiêu khê. Do đó, các cán bộ cứ yên tâm là đã ngồi vị trí nào thì chắc chắn ở vị trí đó, không sợ bị cách chức, bản thân cũng chẳng ai muốn từ chức. Nếu kiến nghị cách chức cán bộ không làm được trở thành sự thật thì tôi tin người dân ai cũng ủng hộ.
Nguyễn Thị Chín (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
       
Một căn bệnh của lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay là tuy bản thân thực sự không có năng lực, không làm được việc nhưng đã được bầu, được ngồi vào “ghế” rồi thì vẫn cứ đinh ninh cho rằng mình làm tốt. Đó là sự tham quyền, cố vị. Đó cũng là lý do nhiều cán bộ có chức quyền chỉ lo giữ ghế, củng cố ghế chứ không nghĩ đến chuyện phải thực thi đúng trách nhiệm, cương vị mà Đảng, Nhà nước giao phó. Vì vậy, cần sớm có quy định cách chức nếu không làm được việc. Người đứng đầu bộ phận, đứng đầu cơ quan phải chịu kỷ luật cách chức nếu không làm tròn trách nhiệm.
Phan Hoài Phương (Q.4, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.