Loay hoay chuyện thi cử

28/09/2018 05:06 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã nhìn nhận kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” không thể đảm bảo được 2 mục tiêu như mong muốn.

Dù chưa có thông báo chính thức nhưng phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào đầu tuần này cho thấy cuối cùng Bộ GD-ĐT đã nhìn nhận kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” không thể đảm bảo được 2 mục tiêu như mong muốn.

Bộ trưởng cho rằng kỳ thi THPT quốc gia từ năm tới sẽ phục vụ cho tốt nghiệp THPT, đề thi sẽ bám sát hơn với THPT nhưng vẫn tổ chức thực chất để các trường ĐH, CĐ có căn cứ sử dụng xét tuyển hoặc sử dụng các phương thức khác.
Thông tin này có thể đột ngột với mọi người vì ngay cả khi sự cố tiêu cực về chấm thi diễn ra trong tháng 7, lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn cho rằng giữ ổn định kỳ thi này cho đến năm 2020, điều chỉnh về mặt kỹ thuật ở một số khâu như chấm thi, coi thi... nhằm đảm bảo kỳ thi chất lượng hơn. Tuy nhiên theo phát biểu của bộ trưởng, cuối cùng Bộ phải để kỳ thi này trở về đúng bản chất của nó: Chủ yếu để xét tốt nghiệp. Giao quyền chủ động cho các trường ĐH trong việc xét tuyển.
Xét về bản chất thì không thay đổi vì từ năm 2015, năm đầu tiên áp dụng kỳ thi “2 trong 1”, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường ĐH thực hiện lộ trình tự chủ trong tuyển sinh. Nghĩa là các trường ĐH có quyền sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển hay thực hiện các phương thức khác.
Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các trường ĐH đều dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Chính vì vậy, việc “điều chỉnh mục tiêu” nghiêng về thi tốt nghiệp, trên thực tế sẽ làm thay đổi việc dạy và học trong các trường phổ thông, định hướng học tập của học sinh. Khi chú trọng vào việc xét tốt nghiệp thì đề thi cũng phải điều chỉnh, không phân hóa mạnh như năm nay nên thầy cô cũng sẽ có phương pháp dạy học khác.
Đó là chưa kể điều này cũng phá vỡ lộ trình mà các trường đang thực hiện là đề thi năm 2019 dự kiến bao gồm nội dung 3 khối lớp 10, 11, 12. Ngoài ra, việc thay đổi này cũng khiến nhiều trường ĐH... trở tay không kịp vì họ chỉ chuẩn bị đổi mới sau năm 2020. Đây chính là những nguyên do khiến xã hội cảm thấy âu lo, bối rối trước sự điều chỉnh về mục đích của kỳ thi.
Chuyện thay đổi thi cử liên tục tạo cho xã hội tâm lý Bộ GD-ĐT chỉ lo mỗi chuyện thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã từng trăn trở không muốn mang tiếng là “bộ thi”. Để tránh tình trạng này, đã đến lúc cần giao quyền thi cử, xét tuyển về các trường ĐH. Cũng như vậy, trong tương lai kỳ thi THPT quốc gia nếu còn, cũng nên giao cho một tổ chức khảo thí độc lập.
Tương tự với câu chuyện đang nóng hiện nay là sách giáo khoa. Mặc dù đồng tình với chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa nhưng dư luận rất lo ngại khi Bộ GD-ĐT, nơi vừa xây dựng chương trình, thẩm định sách giáo khoa cũng tham gia viết một bộ sách. Trong khi Bộ vẫn là cơ quan quản lý thi cử, chỉ đạo dạy học mà tổ chức viết sách giáo khoa thì dễ dẫn đến tình trạng ôm đồm, “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.