Vận dụng các quy định pháp luật, người viết hướng dẫn bạn đọc này liên lạc cơ quan công an để tố giác tội phạm, liên lạc ngân hàng nơi anh mở tài khoản để được hỗ trợ... Nửa tháng sau, bạn đọc này nhận được phản hồi từ người nhận nhầm rằng sẽ trả số tiền thành nhiều đợt vì... đã lỡ rút tiền mặt, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trường hợp nêu trên còn may mắn, vì dù không nhận được đầy đủ số tiền mình chuyển nhầm trong một lần, ít ra anh cũng đã nhận lại được tiền... Có trường hợp của một bạn đọc khác, chuyển nhầm 100 triệu đồng tiền đặt cọc mua nhà, sau nhiều lần liên lạc với ngân hàng nhờ được hỗ trợ, quá chán ngán vì thủ tục rườm rà, hướng dẫn thiếu nhất quán, người chuyển nhầm đành "nuốt bồ hòn làm ngọt" tự nhủ đây là cái giá cho bài học thiếu thận trọng khi giao dịch điện tử.
Nhiều người nhận nhầm tiền hoặc vì tham, hoặc thiếu kiến thức pháp luật, cứ ngỡ "lộc" từ trời rơi xuống, nên chiếm giữ để sử dụng hoặc "cù nhầy", thậm chí ra điều kiện với khổ chủ mới chuyển trả lại tiền... Những trường hợp này, tùy mức độ, số tiền chuyển nhầm, mà người cố tình chiếm giữ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (từ 3 - 5 triệu đồng), bị buộc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép. Nếu số tiền chiếm giữ trái phép từ 10 - dưới 200 triệu đồng thì người chiếm giữ có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm...
Rõ ràng, cái giá cho người nhận nhầm tiền do người khác chuyển nhưng chiếm giữ, không chịu trả lại (hoặc giao lại cho cơ quan chức năng xử lý) không hề "rẻ".
Người viết cũng nhận thấy rằng một số ngân hàng chưa hỗ trợ tốt khách hàng của mình trong trường hợp "thượng đế" lỡ chuyển nhầm tiền. Cứ cứng nhắc với người mà mình đang giữ tiền giúp thì cần xem lại cung cách phục vụ...
Bình luận (0)