Lỗi của ai?

11/09/2011 23:49 GMT+7

Theo thống kê mới đây, mỗi xe máy, ô tô ở Hà Nội chỉ còn bình quân chưa đầy 1m2 đường để lưu thông. Tại TP.HCM, tỷ lệ này cũng khiêm tốn chỉ chừng 5m2/xe. Từ lý do đó, các cơ quan chức năng đề xuất cần sớm có chính sách hạn chế xe cá nhân để chống ùn tắc. Với cách giải quyết này, trách nhiệm dường như đang bị đẩy về phía người dân - những người sở hữu và sử dụng xe cá nhân.

Vậy thì hãy để người dân đặt một câu hỏi công bằng: hạ tầng giao thông không theo kịp nhu cầu phát triển thì lỗi của ai? Rõ ràng, xã hội phát triển kéo theo việc gia tăng nhu cầu đi lại và số lượng phương tiện giao thông là điều tất yếu. Cuộc sống đi lên, người dân mua sắm xe máy, ô tô để đi lại hoàn toàn không phải là cái tội. Vấn đề là, đáng lẽ trong vai trò quản lý nhà nước, ngành giao thông đã phải nhìn thấy trước và có giải pháp cho thực trạng này. Song nhìn lại, dù là một trong những lĩnh vực được đầu tư kinh phí lớn nhất (từ ngân sách, vốn ODA, FDI...), song hạ tầng giao thông tại 2 đô thị lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội đã bị tụt lại quá xa so với thực tế phát triển.

Phải thừa nhận sự gia tăng số lượng xe cá nhân đã góp phần trầm trọng hóa tình trạng kẹt xe tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, ngành giao thông lại không thể lý giải vì sao vấn đề này đã tồn tại và nêu ra từ năm ngoái, năm kia, và thậm chí nhiều năm trước đó, mà đến nay vẫn chưa thấy một biến chuyển khả quan nào? Tại sao sau bao nhiêu năm, số lượng phương tiện và hành trình đi lại tăng vẫn cứ tăng, còn quỹ đất cho giao thông thấp vẫn cứ thấp? Không thể bàn cãi có nguyên nhân nằm ở tầm nhìn của những nhà quản lý giao thông và sự bất cập khi triển khai các giải pháp trong thực tế. Chúng ta có thể thấy, phần lớn các dự án xây mới và mở rộng cầu đường đều ca bài chậm tiến độ, việc mở rộng khai thác không gian ngầm và trên cao gần như giậm chân tại chỗ... Vốn cho giao thông có thể thiếu, nhưng thử hỏi việc sử dụng những đồng vốn quý giá đó đã hiệu quả hay chưa, khi không ít cây cầu xây xong để thả diều, nhiều công trình xây nửa chừng rồi bỏ hoang cả thập kỷ...?

Theo dự kiến của Bộ GTVT, cần lộ trình 5 - 10 năm để hạn chế xe cá nhân ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, điều này có vẻ lạc quan quá mức, bởi ngay cả TP Quảng Châu (Trung Quốc) cũng cần lộ trình đến 16 năm mới hạn chế hoàn toàn việc lưu thông xe gắn máy trong TP. Đó là chưa kể tại thời điểm bắt đầu, số lượng người sử dụng xe buýt tại Quảng Châu đã cao hơn tỷ lệ người đi xe máy. Trong khi đó, xuất phát điểm của TP.HCM và Hà Nội hiện nay bất lợi hơn rất nhiều bởi đặc thù “đô thị phụ thuộc xe máy”, còn hệ thống xe buýt phát triển èo uột. Dù có nôn nóng giải quyết kẹt xe đến thế nào thì vẫn phải trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc: hạn chế phương tiện cá nhân nhưng không hạn chế quyền đi lại của người dân. Tức là, trước khi nghĩ đến bất kỳ giải pháp hạn chế xe cá nhân nào, hãy trả lời được câu hỏi: Không có xe cá nhân, không có xe gắn máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì? Nếu ngành giao thông không nỗ lực hơn nữa để tổ chức hệ thống phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, metro) hiệu quả, tiện dụng, giá rẻ, thì dù có thu phí, tăng lệ phí đăng ký xe cá nhân… cũng chỉ làm tăng gánh nặng tài chính cho người dân hơn là một cách hữu hiệu để kéo họ sử dụng xe công cộng. Giải quyết kẹt xe không chỉ đòi hỏi sự “hy sinh” của người sử dụng xe cá nhân, mà trước hết cần phát huy hơn nữa trách nhiệm từ phía những nhà quản lý giao thông.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.