Lợi dụng tự chủ để tăng học phí

Quý Hiên
Quý Hiên
29/04/2019 07:01 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, thực tế cho thấy việc tự chủ ở các trường đại học mới được thực hiện ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí.

Việc này cũng chủ yếu để tăng thu nhập cho giảng viên chứ chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo.

70% nguồn thu từ học phí và lệ phí

Theo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), hiện nay, do chưa thực hiện luật Giáo dục đại học (ĐH) (có hiệu lực từ 1.7.2019) nên cả nước vẫn mới chỉ có 23 trường ĐH được tự chủ dưới hình thức thí điểm.

So sánh số liệu 2 năm tài chính trước và sau tự chủ của 10 trường trong số trên, Vụ Kế hoạch tài chính nhận thấy cơ cấu khoản thu của các trường chưa có sự thay đổi. Thu từ học phí và lệ phí vẫn là nguồn thu chính (chiếm hơn 70% trong tổng thu của các trường). Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ĐH tự chủ chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Các khoản thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu của các trường.
Vấn đề này hàm chứa rủi ro về tài chính bởi phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đào tạo và mức thu học phí. Trong khi đó, cả hai yếu tố này nhà nước vẫn đang kiểm soát, chẳng hạn như nhà nước quy định về trần học phí và chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Ngoài ra, việc tuyển sinh của các trường tự chủ không những phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các trường khác chưa tự chủ về mức học phí. Việc nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào học phí còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro do phụ thuộc vào nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay xu hướng cho con du học của các gia đình có điều kiện kinh tế ngày càng tăng.
“Nếu nguồn thu chủ yếu không được tạo ra từ nội lực các trường mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan thì sẽ không bền vững và trong dài hạn sẽ gây bất lợi cho chất lượng đào tạo khi việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, hoặc nhà nước cắt giảm chi tiêu”, ông Trần Khánh Tú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cảnh báo.

Một số trường thu vượt, thu sai quy định

Tiến sĩ Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước, cũng nhận định ngay cả với các trường chưa tự chủ thì ngân sách nhà nước cấp cho chi hoạt động thường xuyên của các trường cũng giảm. Chẳng hạn năm học 2015 - 2016 nguồn thu này của các trường chiếm 7%, năm học 2016 - 2017 chỉ còn 4%. Còn các khoản học phí, thu sự nghiệp và thu khác thì tăng (năm học 2015 - 2016 thu học phí lệ phí và các khoản thu sự nghiệp chiếm 75%, năm học 2016 - 2017 là 80%).
Do kinh phí từ ngân sách nhà nước giảm nên một số trường ĐH công lập đã thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản ngoài quy định về thu học phí. Một số trường còn dựa vào lợi thế ngành học để tăng học phí, tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi đáng lẽ đây mới là mục tiêu của tự chủ ĐH.

Tự chủ tài chính = tăng mức thu học phí

Cũng theo tiến sĩ Lê Đình Thăng, mặc dù cơ chế tự chủ mà các trường ĐH được hưởng là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, nhưng thực tế cho thấy việc tự chủ mới được thực hiện ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí.
Từ đó tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo bằng mọi cách, dẫn đến một số trường ĐH công lập chất lượng sinh viên đầu vào giảm sút. Trong khi đó, việc tăng thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho giảng viên mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá. Hầu hết các trường chưa xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung, dài hạn để có những bước phát triển đồng bộ.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do tư duy chưa đúng về tự chủ của cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian qua, điều kiện tự chủ chỉ mới tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính mà chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các trường. Trong khi đó các cơ quan chức năng thì chưa có văn bản hướng dẫn phân nhóm các trường ĐH công lập theo các tiêu chí phù hợp với năng lực tài chính, năng lực đào tạo… để có lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.
PGS Nguyễn Phương Hoa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, một trong 23 trường ĐH được thực hiện thí điểm tự chủ, cũng cho biết khi thực hiện cơ chế tự chủ, một trong những thách thức lớn mà các trường ĐH phải đối mặt là “cân đối tài chính”. Được tự chủ nghĩa là mức ngân sách nhà nước cấp sẽ giảm đi, nên làm sao có đủ thu để đáp ứng nhu cầu chi hợp lý là một bài toán khó với các trường theo cơ chế tự chủ. Trong khi đó, các trường ĐH không theo cơ chế tự chủ được ngân sách hỗ trợ nên có mức học phí thấp hơn. Còn các trường tự chủ thì phải thu mức học phí cao hơn.
Theo PGS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, vì nguồn thu của các trường tự chủ hiện nay chủ yếu dựa vào học phí nên trường khó có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ nhằm nâng cao đẳng cấp của trường. Trong khi đó, đa số trường ĐH được tự chủ hiện nay có cơ sở vật chất và trang thiết bị hạn chế. Vì thế, nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho các trường ĐH công lập tự chủ thay vì tự chủ là cắt nguồn ngân sách như hiện nay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.