The Guardian đưa tin trong nghiên cứu được công bố vào ngày 16.5, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhánh sông dài 64 km chảy qua quần thể kim tự tháp Giza và nhiều kỳ quan khác. Dòng sông đã bị chôn lấp dưới sa mạc trong nhiều thiên niên kỷ.
Bằng chứng dòng sông này tồn tại đã giải thích cho việc 31 kim tự tháp được xây thành một chuỗi dọc theo dải sa mạc khắc nghiệt ngày nay. Các kim tự tháp đã được xây dựng cách đây 3.700 - 4.700 năm.
Giải mã bí ẩn vận chuyển đá khối đến xây kim tự tháp Ai Cập?
Dải đất gần thủ phủ Memphis của Ai Cập cổ đại bao gồm Đại kim tự tháp Giza, kỳ quan duy nhất vẫn tồn tại đến ngày nay trong số 7 kỳ quan cổ đại của thế giới, cùng kim tự tháp Khafre, Cheops và Mykerinos. Các nhà khảo cổ từ lâu đã nghĩ rằng người Ai Cập xưa phải sử dụng đường thủy để vận chuyển những khối đá khổng lồ.
"Tuy nhiên, không ai biết chắc về vị trí, hình dạng, kích thước hay khoảng cách giữa con sông với nơi xây kim tự tháp", bà Eman Ghoneim, từ Đại học Bắc Carolina Wilmington (Mỹ), người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà khoa học đã dùng hình ảnh vệ tinh radar có khả năng chụp xuyên qua bề mặt cát để lập bản đồ nhánh sông. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Communications Earth & Environment, các cuộc khảo sát tại hiện trường và lõi trầm tích từ khu vực này đã xác nhận sự hiện diện của dòng sông. Nhóm nghiên cứu cho rằng nhánh sông Nile này có thể đã bị vùi lấp bắt nguồn từ đợt hạn hán lớn cách đây khoảng 4.200 năm.
Chính xác làm thế nào người Ai Cập cổ đại có thể xây dựng được những kim tự tháp khổng lồ và bền vững vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất. Bà Suzanne Onstine, từ Đại học Memphis (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết những vật liệu xây kim tự tháp, được lấy từ phía nam, sẽ dễ vận chuyển hơn bằng đường thủy so với đường bộ.
Dòng sông mới được phát hiện cũng giải thích lý do các kim tự tháp được xây ở nhiều nơi khác nhau. "Dòng chảy và lưu lượng nước của sông thay đổi theo thời gian, do đó các vị vua ở triều đại thứ 4 có thể phải đưa ra quyết định khác vua ở triều đại thứ 12", bà Onstine nói.
Bình luận (0)