Để tiết kiệm điện cũng không khó. Gia đình 3 thế hệ của tôi gồm 5 người (bố mẹ gần 80 tuổi, vợ chồng tôi và 1 con nhỏ tuổi mẫu giáo), sinh sống ở vùng sâu thuộc huyện miền núi Tân Phú (Đồng Nai). Đồ dùng điện chủ yếu để phục vụ nhu cầu thiết yếu và phổ thông theo bảng thông kê sau:
Ngoài ra, gia đình tôi còn có các đồ dùng điện khác như: các loại đèn bàn thờ, đèn bàn học, sạc điện thoại, laptop, máy in, vợt muỗi, đèn sạc dự phòng…
Tổng công suất các đồ dùng điện hơn 9000W. Tuy nhiên, điện năng hàng tháng theo hóa đơn thực tế dao động 150kWh -170kWh (tiết kiệm từ 20 - 30% so với bảng tính lý thuyết). Được kết quả như vậy là quá trình thực hiện nhiều biện pháp như:
Gia đình dùng đèn huỳnh quang, đèn LED thay cho bóng đèn sợi đốt.
Ngoài ra, cả gia đình luôn bảo nhau cùng thực hiện việc tắt (kể cả không để chế độ chờ ở ti vi, máy tính, modem wifi), hoặc rút các đồ dùng điện (các loại adapter, máy xay sinh tố, nồi chiên không dầu…) khỏi ổ cắm khi không sử dụng.
Ngôi nhà tôi thiết kế có nhiều cửa sổ để tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên. Mẹ tôi có thói quen sử dụng quạt tay và mở cửa sổ thay cho sử dụng quạt điện; Vợ chồng tôi thường xuyên vệ sinh quạt, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện...
Ngoài ra, tôi xin chia sẻ một số biện pháp hữu hiệu khác mà gia đình đang áp dụng có hiệu quả:
Một là, không vắt quần áo sau khi giặt. Hai vợ chồng tôi đều làm việc ở cơ quan nhà nước, chưa kể bố mẹ tôi gần như sáng nào cũng mặc lễ phục tham dự thánh lễ nhà thờ nên đồ công sở cần giặt ngày nào cũng có. Các loại quần áo công sở như quần tây, áo sơ mi, áo dài… chúng tôi dùng phương pháp giặt tay.
Máy giặt chỉ được sử dụng đối với các loại quần áo mặc ở nhà và khi đã đủ số lượng theo khuyến nghị. Việc phơi quần áo công sở ngay khi lấy ra khỏi nước (không vắt) ở lần xả cuối giúp quần áo không bị nhăn, dúm. Sau khi phơi trong mát khoảng 30 phút, quần áo sẽ ráo đi trước khi đem ra phơi nắng.
Nhờ thói quen này mà chiếc bàn là ở gia đình tôi hiếm khi được sử dụng. Chỉ khi có các buổi lễ lớn, có khi 1 - 2 tháng các loại đồ công sở mới cần đem ra ủi. Biện pháp này không những tiết kiệm điện hiệu quả, mà còn giúp tăng tuổi thọ đáng kể các loại quần áo công sở vốn đắt tiền.
Hai là, kết hợp sử dụng đèn ngủ giữa hai phòng ngủ liền kề. Việc làm này có thể áp dụng cho những hộ gia đình dùng máy điều hoà sẽ rất tiết kiệm điện. Nhà chúng tôi thiết kế có 2 phòng ngủ sát bên nhau nên chúng tôi đã dùng 2 chiếc đèn ngủ cà na mắc nối tiếp, chia mỗi phòng 1 bóng và được điều khiển chung bằng 1 công tắc. Bố mẹ tôi có thói quen dậy sớm và tầm 3 giờ 30 phút sáng là đã tắt đèn ngủ.
Ba là, sử dụng nồi cơm điện hợp lý. Gia đình tôi sử dụng nồi cơm điện nắp liền và có thói quen nấu cơm trước bữa ăn khoảng từ 30- 40 phút, tránh để chế độ chờ quá lâu làm tiêu hao điện năng.
Ngoài ra, chúng tôi còn tận dụng nồi cơm điện nắp liền để chế biến các món có thời gian đun nóng lâu như hầm xương, hầm gà cách thuỷ... Khi nồi đã ở chế độ sôi, chúng tôi chủ động chuyển sang chế độ ủ khoảng 15 - 20 phút, rồi lại chuyển sang chế độ nấu. Lặp lại việc này 1-2 lần là món ăn trở nên rất mềm giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn, so với sử dụng bếp gas mà vẫn có món ăn đạt yêu cầu.
Bốn là, sử dụng triệt để chức năng hẹn giờ của quạt điện. Gia đình tôi có thói quen đi ngủ từ 21 giờ. Thời tiết vùng Đông Nam bộ khoảng 1 - 2 giờ sáng thường sẽ mát mẻ, thậm chí là trở lạnh nên chúng tôi cài đặt chế độ hẹn tự tắt quạt vào khoảng thời gian trên.
Trên đây là một số thói quen tiết kiệm điện của gia đình tôi mà bất cứ hộ gia đình nào cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề ý thức tiết kiệm mới là quan trọng nhất. Tôi rất ngưỡng mộ ý thức tiết kiệm của các thế hệ ông cha của chúng ta và của người Nhật. Tuy nhiên, lối sống phung phí và thờ ơ đang dần hình thành và phát triển ở nhiều gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đã đến lúc việc tiết kiệm điện cần phải được nhìn nhận là sự chung tay của tất cả mọi người. Bởi vì tiết kiệm là việc làm “tử tế” không chỉ giúp ích cho tất cả mọi người cùng có điện xài mà còn giải quyết về an ninh năng lượng cho cả đất nước.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)