Giá trị tài sản ròng (NAV) của hầu hết các QĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam năm 2010 đều sụt giảm, giá CCQ bị chiết khấu ít thì 10% - 15%, nhiều thì 30% - 40% so với NAV. Nhờ có thể mua lại CCQ của chính mình mà các QĐT nước ngoài có thể giảm vốn điều lệ và qua đó giảm bớt mức độ chiết khấu giá chứng chỉ quỹ, “cứu nguy” về mặt danh dự cũng như tài chính, còn quỹ nội địa thì không thể làm vậy. Xem ra ngày mà giá chứng chỉ các quỹ nội được giao dịch ngang bằng với NAV vẫn còn xa vời.
|
Sự ngoảnh mặt của nhà đầu tư
Đã từ nhiều tháng nay giới đầu tư dường như quên mất sự hiện diện của các CCQ trên sàn. Khối lượng giao dịch hằng ngày của các CCQ thấp. Thanh khoản nhất trong số các CCQ là VF1 nhưng khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên cũng chưa đến 100.000 đơn vị/ngày. Mối quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) giảm, cho nên ngay cả thời điểm thị trường có “sóng”, CCQ vẫn lặng như tờ. Kết quả là mức độ chiết khấu giá CCQ rất cao. Chẳng hạn NAV trên một CCQ VF1 ngày 3.2.2011 là 21.723 đồng, nhưng giá giao dịch chỉ có 11.300 đồng, tức chiết khấu tới 48%. Đây gần như là mức chiết khấu cao nhất trong suốt 7 năm qua của VF1.
VF1 cũng như các quỹ VF4, VFA, PRUBF1 và MAFPF1 đã áp dụng một chiến lược đầu tư thận trọng, tập trung vào các cổ phiếu (CP) niêm yết có chỉ số tài chính cơ bản tốt. Tuy nhiên, sự thận trọng ấy không giúp cho sự tăng trưởng NAV cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index. Theo báo cáo tài chính tháng 12.2010, tổng lợi nhuận ròng trong năm của VF1 âm 203,6 tỉ đồng.
Trong bối cảnh TTCK ảm đạm, giá đa số CP đang ở mức thấp, VN-Index tăng trưởng chỉ nhờ vào động thái mua ròng của khối ngoại đối với một số CP có vốn hóa lớn, thì kết quả kinh doanh của các quỹ không khả quan cũng không đáng nhận được quá nhiều chỉ trích. Vấn đề là để thu hút sự quan tâm của NĐT, mức chiết khấu của giá CCQ phải được kéo xuống. Song điều này bây giờ lại không phụ thuộc vào QĐT. Nó phụ thuộc vào các quy định pháp lý và cơ quan điều hành thị trường.
Những “cuộc lật đổ” chưa thành
Cú thoát hiểm của Dragon Capital Năm 2010, khi các quỹ đóng nước ngoài do Dragon Capital quản lý bị ép thoái vốn, họ đã phải áp dụng giải pháp mua lại CCQ của chính mình, sau đó giảm vốn các quỹ. Nhờ đó giá giao dịch CCQ tăng lên, mức chiết khấu giảm xuống, ý định thoái vốn trước thời hạn của cổ đông cũng vì thế mà bớt đi. Các quỹ của Dragon Capital đã thoát hiểm trong gang tấc. Hãy hình dung trong trường hợp giải pháp mua lại CCQ không được thực hiện, cả ba quỹ của Dragon Capital đều phải thoái vốn, TTCK VN hẳn đã có một “cơn bão” lớn. Lúc đó Dragon Capital đang nắm lượng CP gần bằng 20% giá trị vốn hóa thị trường. |
Đằng sau thông điệp “hoạt động lâu dài” của quỹ là gì?
Khi giá CCQ PRUBF1 xuống đến mức thấp 4.200 đồng/đơn vị vào cuối tháng 8.2010, một số tổ chức quản lý quỹ bắt đầu mua gom CCQ này. Nếu nắm trong tay một lượng chứng chỉ lớn, thí dụ trên 30% số lượng lưu hành, một tổ chức có thể yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Tại đó có khả năng họ yêu cầu chuyển đổi quỹ cho một công ty quản lý quỹ khác quản lý hoặc giải tán quỹ trước thời hạn. Do mức chiết khấu của giá CCQ cao, việc thoái quỹ sẽ giúp họ và những cổ đông hiện hành có khoản lợi nhuận không nhỏ. Còn với việc chuyển đổi công ty quản lý quỹ, công ty quản lý mới sẽ không tốn chi phí lập quỹ, gọi vốn, lại được hưởng phí quản lý ngay. Thật là một công đôi việc.
Cho đến cuối tháng 11.2010, khi nhận thấy nguy cơ bị thâu tóm đã định hình rõ, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam chẳng còn cách nào khác là phải đứng ra mua lại CCQ PRUBF1. Giá chào mua tất nhiên cao hơn hẳn giá giao dịch trên sàn (vì nếu bằng hoặc thấp hơn thì ai bán?), tới 6.300 đồng/CCQ, sau đó nâng lên 6.700 đồng/CCQ. Bây giờ công ty là cổ đông lớn của quỹ và nguy cơ bị thâu tóm hoặc thoái vốn sớm cũng không còn.
VF1 cũng từng bị âm thầm mua gom, nhưng do khối lượng CCQ lưu hành của VF1 lớn, nên việc thu gom không thể diễn ra nhanh. Dragon Capital, công ty mẹ của VFM, sớm nhận ra cục diện cuộc chơi và họ vào cuộc. Hiện Dragon Capital đang sở hữu 25% CCQ VF1, đủ đảm bảo việc thâu tóm hoặc thoái vốn khó xảy ra.
Lối thoát cho quỹ nội
Hiện nay các quỹ nội địa cũng đang mong chờ được mua lại CCQ của chính mình, giảm vốn, dù các công ty quản lý quỹ nội sẽ mất một tỷ lệ phí quản lý không nhỏ. Song họ chấp nhận điều đó, vì đó là lối thoát khả thi. Nhưng họ không thể tiến hành được. Vì sao?
Năm quỹ niêm yết nói trên đều là quỹ đại chúng và quỹ đóng. Theo Điều 92 Luật Chứng khoán, công ty quản lý không được sử dụng vốn và tài sản của QĐT chứng khoán để đầu tư vào CCQ của chính quỹ đại chúng hoặc của một quỹ khác. Việc mua lại CCQ của chính mình có thể thực hiện đối với quỹ mở, nhưng quỹ mở lại chưa được phép hoạt động tại Việt Nam (dù Luật Chứng khoán có quy định về quỹ mở, Điều 93). Các quỹ cho biết họ đã kiến nghị nhiều lần được mua lại CCQ, song câu trả lời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn là “tiếp tục nghiên cứu”.
Đành rằng các quy định pháp lý phải được thực thi nhưng một khi quy định trở nên lỗi thời thì cần phải sửa đổi. Trong khi khung pháp lý cho quỹ nội địa rất chặt chẽ, thì những quy định nhằm điều tiết, định hướng các quỹ ngoại (cả quỹ mở và quỹ đóng, đặc biệt gần đây là QĐT theo chỉ số ETF) lại bị buông lỏng hoàn toàn. Chúng ta không có một chính sách thuế nào nhằm kiểm soát vốn vào/vốn ra của các quỹ ngoại, cũng không linh hoạt và kịp thời trong việc xây dựng cách tính chỉ số VN-Index để chỉ số này không bị méo mó như hiện tại. Dư luận đã lên tiếng về việc đưa ra nhiều chỉ số để NĐT tham khảo từ 3-4 tháng nay, nhưng đến giờ vẫn chỉ có một VN-Index chung, vốn đã được xây dựng từ 10 năm trước. Cùng với cả thị trường, các QĐT nội đang mong chờ được phép thực hiện một giải pháp mà đáng ra họ có thể tiến hành từ lâu. Đó cũng là góp phần tạo lập một môi trường đầu tư bình đẳng giữa các quỹ Việt Nam và quỹ nước ngoài.
Hải Lý
Bình luận (0)