Lối thoát nào cho khủng hoảng ở Niger ?

Khánh Như
Khánh Như
04/08/2023 06:15 GMT+7

Hơn một tuần kể từ cuộc đảo chính ở Niger, tình hình quốc gia châu Phi này thêm hỗn loạn sau khi phương Tây gia tăng sức ép để buộc quân đội khôi phục chính phủ dân cử ở nước này.

Nhiều nước sơ tán công dân

Đài France24 đưa tin, Mỹ và các đồng minh ngày 2.8 đã có động thái bảo vệ công dân tại Niger. Trong khi Pháp thông báo hoàn tất việc sơ tán hàng trăm công dân nước này và châu Âu khỏi Niger thì Mỹ và Anh rút bớt nhân viên tại các cơ quan ngoại giao ở nước này. Dù vậy, các bên cam kết duy trì phái bộ và đảm bảo lãnh đạo cấp cao không rời đi. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điện đàm với Tổng thống Mohamed Bazoum, người vừa bị lật đổ ở Niger, nhấn mạnh rằng Washington vẫn cam kết khôi phục chính phủ dân cử của Niger, theo Reuters.

Lối thoát nào cho khủng hoảng ở Niger ?  - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh phóng hơi cay giải tán người biểu tình tập trung ngoài Đại sứ quán Pháp ở Niger ngày 30.7

REUTERS

Phương Tây đã tăng cường hiện diện ở Niger dưới danh nghĩa chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Nhiều người lo ngại khủng hoảng hiện tại có thể tạo điều kiện cho các tay súng cực đoan mở rộng địa bàn. Chính vì thế, dù sơ tán công dân, Mỹ chưa rút quân và đang duy trì 1.100 lính ở Niger. Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với Reuters rằng Mỹ sẽ không dùng máy bay quân sự để sơ tán quan chức ngoại giao, mà triển khai chuyên cơ dân sự do Bộ Ngoại giao cung cấp.

Cuộc đảo chính ở Niger ảnh hưởng ra sao đến an ninh Mỹ

Trong diễn biến khác, áp lực về kinh tế đối với phe đảo chính ở Niger đã tăng thêm sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) vừa quyết định đình chỉ các khoản giải ngân ở quốc gia này. Niger có một trong những danh mục đầu tư lớn nhất của WB, lên tới 4,5 tỉ USD (106.000 tỉ đồng). Quyết định lần này đã giáng đòn mạnh vào kinh tế của một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với 4,3 triệu người sống dựa vào hỗ trợ nhân đạo. Trước đó, EU đã đóng băng viện trợ cho Niger, theo Reuters.

Lối thoát nào cho khủng hoảng ở Niger ?  - Ảnh 2.

Nhiều người được sơ tán khỏi Niger

Các bên nỗ lực tìm giải pháp

Dù liên tiếp gặp áp lực, tướng Abdourahamane Tian, người dẫn đầu cuộc đảo chính và tuyên bố lên nắm quyền, phớt lờ biện pháp trừng phạt từ các nước láng giềng Tây Phi, và khẳng định sẽ không nhượng bộ "sự đe dọa" bất kể là từ đâu, AP đưa tin. Ông này cũng kêu gọi người dân đứng lên "để đánh bại những ai muốn gây bất ổn cho đất nước".

Khủng bố lan rộng ở Tây Phi

Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Tây Phi đã ghi nhận hơn 1.800 vụ tấn công khủng bố và gần 4.600 người thiệt mạng. Trong đó, Burkina Faso là quốc gia có nhiều người chết do khủng bố nhất, theo Hãng tin AA. Ngoài giáp Niger, Burkina Faso cũng có biên giới dài với Mali, quốc gia chứng kiến làn sóng khủng bố kỷ lục trong những năm qua.

Trước phát biểu trên, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tại Tây Phi và vùng Sahel, ông Leonardo Santos Simão, đã bày tỏ quan ngại rằng tình hình an ninh Tây Phi có thể xấu đi nếu cuộc khủng hoảng tại Niger không được giải quyết. Lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) hôm 2.8 đã cử phái đoàn đến Niger đàm phán với các sĩ quan quân đội để tìm giải pháp ngoại giao, trước khi tổ chức này quyết định cách xử lý. Sau khi xem xét, ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, cho biết giải pháp quân sự là "lựa chọn cuối cùng", nhưng vẫn đang cân nhắc các tình huống khả dĩ khác.

Giữa tình hình đó, TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng điều tiên quyết là đảm bảo đối thoại và không để tình hình Niger xấu thêm nữa. Moscow cho rằng chính một kịch bản hòa bình, không phải đe dọa sử dụng vũ lực, mới là giải pháp góp phần làm giảm leo thang và giải quyết tình hình. Bà Zakharova kêu gọi sử dụng nguyên tắc "giải pháp châu Phi cho các vấn đề châu Phi", cũng như thúc giục các tổ chức quốc tế hỗ trợ để người dân của Niger thoát khỏi khủng hoảng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.