Nhiều điểm tham quan khác ở nội thành TP.HCM đang tái diễn cảnh mất trật tự dù luôn có lực lượng bảo vệ du lịch túc trực.
Xây 7 năm vẫn còn... xây tiếp
“Do không lắp đặt máy điều hòa không khí, nên bên trong bảo tàng rất ngột ngạt và nóng bức. Hơn nữa, cách trưng bày mang tính tạm thời trong một số phòng được thiết kế theo kiểu gian hàng hội chợ nên cũng không thu hút khách. Thường, khách ra ngoài sớm hơn dự kiến”, Hoàng - một hướng dẫn viên du lịch lâu năm - cho biết. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là điểm đến không thể thiếu của du khách quốc tế khi tới TP.HCM. Thế mà, sau 7 năm xây dựng, bảo tàng này vẫn còn ngổn ngang.
Bên trong bảo tàng, tầng trệt và tầng một được chia thành nhiều gian khác nhau để trưng bày hình ảnh, hiện vật nhưng cũng kèm theo cả những gian bán đồ lưu niệm, nước giải khát. Cầu thang máy của tòa nhà chưa lắp đặt, nên còn chừa một khoảng trống sâu hun hút. Người ta chắn cái khoảng trống nguy hiểm đó bằng một tấm ván với dòng chữ cảnh báo ngắn gọn. Phía bên ngoài, cửa chính hướng đường Lê Quý Đôn che bằng những tấm gỗ sơ sài, cây cỏ mọc nham nhở. Nhiều công ty du lịch phàn nàn, nhưng tình trạng này đã lâu không được cải thiện.
Tái diễn cảnh mất trật tự
Hiện nay, ở những điểm tham quan trong nội thành như Hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử... đều có ít nhất hai bảo vệ du lịch “cắm chốt” ngay cổng ra vào. Thế nhưng, cũng chính ngay cổng này lại thường xuyên diễn ra cảnh chèo kéo du khách mua đồ lưu niệm, bưu thiếp, đi xe ôm, xe xích lô... Tại Bưu điện Thành phố, một nhóm người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch nước ngoài trước mặt các bảo vệ du lịch. Các anh thì bình thản khoanh tay đứng nhìn, như đó không phải là việc của mình. Cảnh này cũng diễn ra tương tự ở trước cổng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Phía đối diện bảo tàng, có một nhóm tài xế xích lô đứng chờ khách trong trật tự. Nhưng ngay cổng chính, một nhóm tài xế taxi, xe ôm, người bán sách báo... hễ thấy khách vừa bước ra là nhào ngay vào chào mời.
Bảo tàng TP.HCM nằm ở ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thánh Tôn là nơi lý thú đối với du khách và học sinh, sinh viên, không chỉ nhờ các hiện vật đa dạng mà còn có không gian kiến trúc hấp dẫn. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, bảo tàng mở rộng kinh doanh bằng cách lấy sân làm chỗ cho ô tô đậu để thu tiền và làm dịch vụ chụp hình, quay phim. Bảng giá dán ngay cổng bán vé, được “tiếp thị” một cách nhiệt tình mỗi khi có người hỏi thăm. Cụ thể: Chụp ảnh thời trang (có người mẫu): 500.000 đ/buổi; Chụp ảnh - quay phim thời trang, quay video ca nhạc, quay phim truyện phát sóng: 1,5 triệu đ/buổi; Quay phim thời trang phát sóng: 1 triệu đồng/buổi... Còn ô tô, giá từ 15.000 - 30.000 đ/lần, áp dụng cho tất cả các loại xe. Ở đây, người ta còn cho gửi xe gắn máy, địa điểm xung quanh gốc cây cổ thụ khá đẹp, vốn là chỗ du khách hay chụp hình. Việc cho gửi xe khiến khuôn viên bảo tàng luôn trong tình trạng lộn xộn, cũng vì thế các công ty du lịch ngại đưa điểm đến này vào chương trình.
Không dự đoán được lượng khách
Lý do khiến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh xây dựng ì ạch từ năm 2002 đến nay vẫn chưa xong, là vì kiến trúc sư không dự đoán được số lượng khách tăng lên như thế nào! Năm 2002, bảo tàng này đón 250.000 lượt khách. Năm nay ước đón được hơn 512.000 lượt khách. Do đó, thiết kế của bảo tàng cũng phải điều chỉnh theo lượng khách tăng, cộng với giá cả vật tư tăng, dẫn đến phát sinh kinh phí. Đã phát sinh kinh phí, phải trình duyệt, khiến thời gian kéo dài. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, quyền Giám đốc bảo tàng, kinh phí đầu tư ban đầu được duyệt là 11 tỉ đồng, nhưng nay phải điều chỉnh tăng thêm 9 tỉ. Dự kiến, cuối năm nay sẽ xong phần xây dựng cơ bản, nhưng nội thất phải mất hai năm nữa mới hoàn thành.
Ông Trần Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng TP.HCM không thiếu sản phẩm hay điểm đến mới, nhưng thực tế là các điểm đến tiềm năng không được đầu tư: “Trong khi một số điểm đến cũ không được cải tạo thường xuyên, dẫn đến xuống cấp hoặc không còn sức hấp dẫn”. Theo ông Huê, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều kiến trúc cũ rất đẹp, du khách luôn muốn khám phá nhưng không tiện, chẳng hạn trường Lê Quý Đôn, trường Lê Hồng Phong, trường Cao đẳng Sư phạm... Tour ở nhà dân để tìm hiểu cuộc sống người dân thành phố cũng không được phát triển. Trong khi đó, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM đã xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Huệ... nhưng mấy năm rồi vẫn chưa thấy triển khai.
Theo thông lệ, kể từ tháng 9 đến sau Tết Nguyên đán hằng nằm là mùa cao điểm du khách quốc tế. Tuy nhiên năm nay, theo các doanh nghiệp lữ hành, tình hình khách quốc tế vào Việt Nam vô cùng ảm đạm. Một doanh nghiệp cho biết, ước đoán lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm mạnh trong mùa cao điểm năm nay. "Trong khi các nước trong khu vực thực hiện rất tốt việc giảm giá phòng khách sạn để lôi kéo khách sau khủng hoảng, thì chúng ta lại vẫn giữ giá rất cao. Thêm nữa, sản phẩm du lịch không được thường xuyên cải thiện đã khiến du lịch Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh cao, nên sụt giảm khách là dĩ nhiên", đại diện doanh nghiệp này phát biểu. |
N.Trần Tâm
Bình luận (0)