Nằm trong dải cây xanh trung tâm thành phố, khu vực đài phun nước đối diện với Nhà hát lớn Hải Phòng được coi là “mặt tiền” của thành phố Cảng.
Năm 2012, UBND TP.Hải Phòng đã đầu tư hơn 160 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp toàn bộ dải trung tâm, trong đó có việc lát đá khu vực đài phun nước. Tuy nhiên, ngay sau khi công trình hoàn thiện, khu vực này đã trở nên mất trật tự vì dịch vụ cho thuê giày trượt patin, đi kèm là các hàng quán ăn theo.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có nhiều thanh thiếu niên đến trượt patin, nhưng đông nhất là khoảng từ sau 17 giờ, khi học sinh tan trường và đến thuê giày trượt. Khoảng từ 19 - 21 giờ tối là thời điểm đông nhất, có khi lên tới cả trăm người và 22 giờ mới hết.
Để tránh bị cơ quan quản lý đô thị kiểm tra, các chủ cho thuê giày không để giày bên sân trượt mà cho vào một bao tải to rồi để rải rác ở các gốc cây phía bên đường Trần Phú, P.Cầu Đất, Q.Ngô Quyền, ai có nhu cầu, người cho thuê mang từng đôi sang cho khách. Khách thuê còn có thể đi giày từ khu vực này và được chủ giày dắt qua đường, giữa dòng xe cộ.
Chị N.H.T, một chủ cho thuê giày cho biết, ban đầu chị chỉ mua 5 đôi giày vì giá gần 1 triệu mỗi đôi. Nhưng sau đông khách, chị mua thêm 10 đôi nữa và ngày nào cũng có khách thuê với giá 20.000 đồng một giờ. Với 15 đôi giày, có thể thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Từ khi sân patin tự phát hình thành, một khu hàng quán bán đồ ăn uống, trông giữ xe… cũng mọc lên bên đường Trần Phú. Các hàng quán, dịch vụ này chiếm dụng vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường. Đã có chuyện các chủ kinh doanh xảy ra mâu thuẫn do tranh giành khách, một số thanh niên va chạm, cãi vã nhau trong khi trượt patin, giao thông ùn tắc...
Một số cụ già ở các phường Hoàng Văn Thụ (Q.Hồng Bàng), Cầu Đất (Q.Ngô Quyền) cho biết, chỗ tập dưỡng sinh hay đi bộ mỗi buổi chiều nay đã phải nhường cho các bạn trẻ chơi patin. Nhiều gia đình quanh khu vực này cũng không dám đưa con đi dạo vì sợ các “hung thần” patin lao vù vù trên sân.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Tuấn, Phó chủ tịch UBND Q.Hồng Bàng xác nhận từng có cả việc kinh doanh, bán hàng, thậm chí trông coi xe đạp, xe máy quanh đài phun nước. Tuy nhiên, từ tháng 12.2012, UBND TP giao cho UBND Q.Hồng Bàng quản lý trực tiếp thì không còn tình trạng này nữa.
“Theo tôi, việc các cháu chơi patin ở một nơi công cộng như vậy cũng bình thường vì thành phố đang thiếu sân chơi. Tuy nhiên, các dịch vụ ăn theo lại gây mất trật tự, an ninh thì không nên”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, các chủ cho thuê giày, hàng quán kinh doanh bên đường Trần Phú thuộc P.Cầu Đất, Q.Ngô Quyền quản lý.
Tại UBND P.Cầu Đất, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch UBND phường xác nhận: “Công an, quản lý đô thị phường đã nắm tình hình, xác định được các hộ kinh doanh. Chúng tôi đã có giấy mời lên họp và yêu cầu từng hộ viết cam kết”.
Theo bà Liên, UBND phường cũng xác định đây là một điểm nóng và chỉ đạo lực lượng quản lý đô thị chấn chỉnh. Tuy nhiên vì quân số mỏng, nên mỗi khi lực lượng này rút đi, các hộ kinh doanh lại tiếp tục hoạt động gây mất trật tự.
Phạm Hải Sâm
>> Lập lại an ninh trật tự ở hồ Sông Dinh 3
>> Ra quân đảm bảo an ninh trật tự tết
>> Lực lượng “trật tự hành chính”
>> Cần lập lại trật tự khu cầu nổi Phú Quốc
>> Sinh viên tự quản về an ninh trật tự
Bình luận (0)