Dẫn đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI
Cụ thể, tỉnh Long An đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư 42 dự án FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) với số vốn đăng ký 3.272,5 triệu USD; 63 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 128,5 triệu USD. Long An trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI.
Nhiều ghi nhớ và hợp đồng hợp tác giữa UBND tỉnh Long An và các tập đoàn tại buổi tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao năm 2021 |
Đến nay, Long An vẫn đang trên đà thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư ở một số lĩnh vực như: hợp tác phát triển các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo máy, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến; các dự án công nghiệp xanh, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển đô thị - bất động sản gần TP.HCM; xây dựng và hoàn thiện các công trình cấp, thoát nước; logistics, dịch vụ chất lượng cao gắn với cảng quốc tế; hợp tác đào tạo lao động kỹ thuật cao, hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Bên cạnh đó, theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Long An, đến hết quý 3/2021, địa phương đã thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư trong nước, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội có mức tăng trưởng nhẹ.
Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế, từ cuối tháng 8.2021, UBND tỉnh Long An đã ban hành các kế hoạch về phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, liên tục có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình kiểm soát dịch và điều kiện thực tế để tạo điều kiện cho DN dần hoạt động trở lại và đảm bảo tốt các điều kiện phòng chống dịch. Đến nay, ước có khoảng 90% DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại với trên 80% lao động. Các hoạt động văn hóa, xã hội, đời sống của người dân đều đã ổn định trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Vì sao Long An được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý?
Đánh giá về kết quả thực hiện mục tiêu kép của tỉnh Long An, giới quan sát đã dùng 2 chữ “kỳ tích”. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những lợi thế quan trọng để Long An phát huy mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, dù dịch Covid-19 ở tỉnh rất nghiêm trọng.
Theo đó, Long An là tỉnh có vị trí rất đặc biệt, vì là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, đồng thời thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với Tây Nam bộ, tiếp giáp với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Đồng thời là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với khoảng 133 km đường biên giới với Campuchia... Song song đó, Long An còn có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế với cửa Soài Rạp hiện nay đã được đầu tư và đi vào hoạt động. Cảng Quốc tế Long An có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn, giai đoạn 2 có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn.
Toàn tỉnh có 35 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam và 62 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích quy hoạch khoảng 15.000 ha. Hiện có 22 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư có tổng diện tích 5.067,67 ha, trong đó còn khoảng 500 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê; 22 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 77,6%; diện tích đất sẵn sàng tiếp nhận đầu tư khoảng 251 ha.
Ngoài lợi thế lớn về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông phát triển, Long An có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch... đồng thời cũng là vùng nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.
Với những thành tựu quan trọng đó, Long An đã có sự phát triển bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL và của cả nước.
Bình luận (0)