Thứ nhất là trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã quản lý lái xe. Là chủ DN, không thể vô can khi là người trực tiếp điều động lái xe. Luật pháp đã quy định nếu lái xe không có giấy phép lái xe mà gây tai nạn giao thông thì xử lý hình sự cả chủ DN. Trong trường hợp lái xe không có bằng lái vẫn điều khiển phương tiện, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính với lái xe, cần bổ sung quy định xử phạt nặng cả chủ DN, để răn đe những chủ xe vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Thứ hai là sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong kết nối thông tin để kiểm tra, quản lý bằng lái xe. Từ năm 2012, Tổng cục Đường bộ VN đã triển khai hệ thống quản lý giấy phép lái xe, trong đó có phần mềm dành cho lực lượng tuần tra kiểm soát, cập nhật các thông tin về bằng lái bị tạm giữ. Nhưng trên thực tế, việc cập nhật chưa đầy đủ, kịp thời, dẫn đến tình trạng số lượng bằng lái xe bị tạm giữ rất lớn so với con số được cập nhật trong hệ thống dữ liệu lái xe. Sau nhiều năm “trục trặc” thì từ 1.6 qua, Cục CSGT, Bộ Công an và Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT mới chính thức đưa vào vận hành phần mềm tích hợp chung. Nhưng để “quản” thực sự hiệu quả thì bản thân hệ thống phải được cập nhật đầy đủ, kịp thời các số liệu vi phạm trên phạm vi cả nước.
Hiện các nước đều triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe dùng chung, có cơ chế cập nhật thông tin vi phạm kịp thời, tránh tình trạng người lái xe lợi dụng kẽ hở để xin cấp lại bằng. Kinh nghiệm các nước là tích hợp, liên thông nhiều dữ liệu từ giấy phép lái xe, thông tin DN đến giám sát hành trình... Trên cơ sở đó chỉ cần tra cứu hệ thống, cơ quan quản lý sẽ nắm được mỗi DN có bao nhiêu lái xe vi phạm, từ đó phân tích dữ liệu để “khoanh vùng” vi phạm, lập kế hoạch thanh tra cụ thể, kịp thời chấn chỉnh, chứ không chỉ ban hành kế hoạch thanh kiểm tra chung chung như hiện nay.
Với lái xe, thay vì bấm lỗ bằng lái như trước, có thể cập nhật lỗi của tài xế vào hệ thống dữ liệu. Trên cơ sở đó có thể ban hành quy định cho mỗi tài xế một số điểm nhất định, khi nào vi phạm bị trừ điểm, khi điểm xuống dưới giới hạn cho phép thì không được quyền lái xe nữa. Các nước đã làm nhiều và hiệu quả, nhưng chúng ta lại đang xem nhẹ việc “chấm điểm” lái xe, dẫn tới việc cấp đổi bằng lái có phần dễ dãi. Nói cách khác, chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Đường bộ và công an, sử dụng dữ liệu liên thông hiệu quả, “chấm điểm” cả DN lẫn người lái xe, thì công tác quản lý lái xe mới đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Bình luận (0)