Lòng nhân ái của doanh nhân

12/10/2005 22:53 GMT+7

Công tác từ thiện xã hội từ lâu đã trở thành một hoạt động thường xuyên của nhiều doanh nhân. Họ xem đây là hoạt động không thể thiếu, là cách đóng góp trực tiếp vì tình yêu thương đối với cộng đồng, chứ không vì đặt nặng việc khuếch trương thương hiệu.

Từ thiện không chỉ là hoạt động phụ trợ

Anh Lâm Tấn Lợi, chủ Doanh nghiệp sản xuất võng xếp Duy Lợi là một "thân hữu" của những chương trình từ thiện lớn nhỏ. Ngay sau khi xảy ra cơn bão số 7 ở các tỉnh phía Bắc, anh Lợi đã nhanh chóng đến Tòa soạn Báo Thanh Niên đóng góp 5 triệu đồng hỗ trợ bà con bị thiên tai với lời giải thích: "Càng có tiền sớm chừng nào thì đỡ cho bà con chừng ấy". Dù luôn bận rộn với rất nhiều công việc từ thiết kế, đàm phán hợp đồng, tiếp thị... nhưng anh hầu như luôn sẵn sàng lên đường đến tận nơi cần giúp đỡ. Anh nói: "Mình xem đó cũng là công việc của doanh nghiệp nên không sợ tốn thời gian".

Chị Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhớ lại: "Sau cơn bão năm 1999 ở miền Trung, lúc đó chỉ cần một lời kêu gọi là cả Hội Doanh nghiệp trẻ liền lên đường đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai. Tôi vẫn còn xúc động khi nhớ đến tình cảnh của những đồng bào phải mất nhà cửa vì cơn bão năm đó. Vì vậy, nếu sức mình cho phép, tôi sẽ không từ nan bất kỳ một việc từ thiện nào". PNJ luôn dành hẳn một ngân khoản cho hoạt động từ thiện xã hội khoảng 500 - 700 triệu đồng mỗi năm. Riêng trong năm 2005, khoản chi này "vọt" lên đến hơn 1,7 tỉ đồng. Mới đây, PNJ đã


Chị Cao Thị Ngọc Dung trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó (ảnh: N.Sơn)

xây tặng một trường học dành cho những học sinh bị thiểu năng trên địa bàn Q.Phú Nhuận trị giá hơn 700 triệu đồng. Đoàn viên công ty còn đóng góp để hỗ trợ thêm một khoản tiền cho giáo viên của trường hằng tháng. Đó là chưa kể các hoạt động tặng học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo...

Một doanh nghiệp trong suốt 5 năm liền đều nhận được bằng khen của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM vì làm tốt công tác từ thiện xã hội là Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco). Anh Nguyễn Xuân Hàn, Giám đốc Maseco nói: "Cái được đầu tiên khi làm những chương trình xã hội là kết nối được các nhân viên trong công ty lại với nhau, giúp họ quan tâm đến xã hội nhiều hơn nữa". Và còn biết bao những doanh nhân có tấm lòng hào hiệp với nhiều việc làm tốt đẹp khác nữa mà chúng tôi không thể đề cập hết được trong bài viết này. Họ ở khắp nơi trong và ngoài nước và luôn coi công tác xã hội là trách nhiệm, một việc phải làm...

Trách nhiệm đối với cộng đồng

Có người cho rằng các doanh nghiệp làm từ thiện chủ yếu là để quảng cáo cho tên tuổi của mình. Về chuyện này, chị Cao Thị Ngọc Dung tâm sự: "Làm từ thiện cũng là cách tích lũy uy tín lâu dài cho thương hiệu của mình, nói nôm na như ông bà mình thì đó cũng là


Niềm vui của các em học sinh Trường chuyên biệt Niềm Tin Q.Phú Nhuận trong khu phòng học mới do PNJ xây tặng (ảnh: N.Sơn)

một cách tích đức". Anh Nguyễn Xuân Hàn thẳng thắn: "Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần phải có công tác tiếp thị hình ảnh, tên tuổi của mình nhưng không thể thông qua những chương trình từ thiện. Điều này trước tiên sẽ làm cho chính bản thân mình không được thanh thản. Cái mất lớn hơn nữa, đó là lòng tin của tập thể nhân viên cũng như xã hội đối với chính doanh nghiệp đó. Một chương trình từ thiện luôn cần phải có chữ Tâm, đó mới là yếu tố quyết định".

Anh Lâm Tấn Lợi thì chân thành nói: "Tôi bây giờ vẫn còn ở nhà thuê, đến cuối năm nay mới có nhà riêng. Ngày trước đi học ước mơ có ngôi nhà riêng, bây giờ nằm trong tầm tay mình thì lại muốn giúp đỡ cho những người khó khăn hơn mình trước. Giúp đỡ người khác có khi không cần phải có nhiều tiền, chỉ vài trăm ngàn đồng là có thể giúp người ta mổ mắt để khỏi lâm vào cảnh mù lòa. Cứ mỗi khi giúp được ai điều gì là bản thân tôi thấy rất thanh thản".

Bàn tay nhân ái của các doanh nhân đã, đang và sẽ còn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho rất nhiều người nghèo gặp khó khăn, hoạn nạn...

Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.