Trong ngày đầu tiên, Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Vũ Đình Khản - Giám đốc Trung tâm (TT) Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh, đồng thời là bác sĩ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Việt Hùng huyện Trực Ninh. Trước phiên tòa, Khản liên tục đổ tội cho Trương Văn Phúc - Phó giám đốc trung tâm (hiện đã bỏ trốn). Theo lời khai của Khản, Phúc là người đứng ra chịu trách nhiệm chính về các khoản thu, chi của trung tâm. Khản cho rằng, việc nhận các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn về trung tâm nuôi, chờ sinh là "giúp đỡ người có hoàn cảnh éo le”.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã bác bỏ ngay lời khai này khi cho biết, quy chế hoạt động của TT Trực Ninh không cho phép tiếp nhận người có hoàn cảnh éo le mà chỉ được phép tiếp nhận 4 loại đối tượng: trẻ em mồ côi, người tàn tật, người già cô đơn, người tâm thần. Hơn nữa, cơ quan chủ quản (tức UBND huyện Trực Ninh) mới có thẩm quyền quyết định tiếp nhận các đối tượng vào TT chứ Giám đốc TT không có quyền tự ý tiếp nhận.
Trong 4 năm, tổng số trẻ em được đưa ra nước ngoài là 222. Theo cơ quan điều tra, qua việc cho 222 trẻ làm con nuôi người nước ngoài, TT của Khản đã nhận được các khoản hỗ trợ của bố mẹ nuôi, các tổ chức nước ngoài là gần 2 tỉ đồng và trên 67 nghìn USD. Phần lớn số trẻ được đưa về TT là do Khản tổ chức thu gom qua những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Để che mắt cơ quan chức năng, Khản bố trí rải đều đến các trạm y tế trong huyện để sinh nở rồi để con lại cho TT nuôi dưỡng. Mỗi một trường hợp đều được Khản chi từ 800 nghìn - 1,5 triệu đồng để “đi lại tàu xe”. Riêng tại xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, với chức vụ là Giám đốc kiêm Trạm trưởng Trạm y tế xã, Khản đã “gom” 50 sản phụ về sinh nở rồi để lại con cho TT.
Trước tòa, Khản khai nhận, để hợp thức hóa các bộ hồ sơ cho trẻ sơ sinh, Khản lập sẵn các hồ sơ mẫu rồi đưa cho các trạm trưởng trạm y tế, chủ tịch, phó chủ tịch hoặc trưởng, phó công an xã viết và ký xác nhận vào hồ sơ; tên tuổi, nơi sinh của trẻ được bịa theo tùy hứng. Mỗi bộ hồ sơ này, Khản khai phải chi từ vài trăm nghìn cho đến 3-4 triệu đồng tùy theo mức độ thân thiết.
Tương tự Khản, nhiều bị cáo trong đường dây này đều đưa ra lý do bao biện cho mình. Bị cáo Vũ Đình Kỳ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực đã tham gia làm giả 14 bộ hồ sơ, hưởng lợi 28 triệu đồng. Trả lời trước tòa Kỳ cho rằng: “Bị cáo biết việc làm hồ sơ giả là sai nhưng mục đích chính là nhân đạo giúp các cháu bé”. Tuy nhiên, khi tòa hỏi: “Nếu không có tiền có làm không?”, thì bị cáo này im lặng. Tương tự, bị cáo Nguyễn Phú Cường, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường cho rằng việc mình làm là sai nhưng vì "nhân đạo", "số tiền không lớn". Nhưng khi tòa hỏi: “Bị cáo tham gia làm 8 bộ hồ sơ giả hưởng lợi 15 triệu đồng, so sánh với thu nhập vài trăm nghìn đồng tháng của người nông dân trong xã thấy thế nào” thì Cường cũng nín lặng.
Thái Sơn
Bình luận (0)