Lòng tốt bắt đầu từ việc nhỏ

16/04/2012 03:37 GMT+7

Trong cuộc sống, thấy điều gì cần giúp thì cứ giúp, còn nếu cứ nghi ngờ thì sẽ không thể làm điều tốt được; lòng tốt có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ trong gia đình, nhà trường và từ đó sẽ lan tỏa mạnh mẽ...

Trong cuộc sống, thấy điều gì cần giúp thì cứ giúp, còn nếu cứ nghi ngờ thì sẽ không thể làm điều tốt được; lòng tốt có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ trong gia đình, nhà trường và từ đó sẽ lan tỏa mạnh mẽ...

Đó là một số ý kiến từ diễn đàn “Lòng tốt trong cuộc sống” do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức hôm qua tại TP.HCM.

”Mình không giúp cũng có người khác giúp”

Tham gia diễn đàn, học sinh Đỗ Thị Phương (lớp 11A1, Trường THPT Nhân Việt, Q.Tân Phú, TP.HCM) kể lại một số câu chuyện về sự thờ ơ, vô cảm trong nhịp sống hối hả hiện nay. Phương nhận xét: “Có những bạn trẻ cho rằng nếu mình không giúp thì cũng có người khác giúp, nên họ đã lướt qua những khó khăn cũng như nỗi đau của người khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh vô cảm diễn ra từng ngày từng phút, làm xói mòn nhân cách, đạo đức”.


Học sinh phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Hạ Mi

Trước những ý kiến trăn trở về những trường hợp lợi dụng lòng tốt để trục lợi khiến người tốt hoang mang, diễn viên - đạo diễn Việt Trinh chia sẻ một tình huống cô đã gặp và giúp đỡ một thanh niên bị sùi bọt mép nằm trên đường. Cô cho biết ban đầu cô rất hạnh phúc vì nghĩ mình vừa làm được một việc tốt. Nhưng một tuần sau, cô gặp lại bạn trẻ đó tái diễn vở kịch cũ. “Tôi cảm thấy như bị xúc phạm và sụp đổ lòng tin đến nỗi không muốn làm từ thiện nữa”, Việt Trinh nói. Tuy nhiên, một lần khác, khi mua bánh của một bà cụ bên đường, Việt Trinh lại có một sự trải nghiệm đáng nhớ về lòng tốt. Cô kể: “Sau khi trả tiền, bà cụ cứ đòi đếm lại bánh. Lúc đó, tôi tưởng bà cụ nghi ngờ tôi gạt bà nên thấy khó chịu. Nhưng bà giải thích là bà bị khiếm thị, sợ bán không đủ bánh cho tôi thì mang tội. Điều đó khiến tôi rất bất ngờ và xúc động”. Việt Trinh tâm nguyện: “Trong cuộc sống, nếu mình thấy điều gì cần giúp thì cứ giúp, còn nếu cứ nghi ngờ thì sẽ không thể làm điều tốt được. Và nếu chỉ vì bị một người lừa gạt mà mình bỏ qua mười người khác thì thật không nên”.

Là một người từng vươn lên từ dưới đáy xã hội nhờ vào lòng tốt của một nhóm bạn trẻ làm công tác xã hội, chị Trương Thị Hồng Tâm (tác giả hồi ký Tâm siđa - Vượt lên cái chết) cho rằng những người nghiện ma túy thường ít nhận được sự giúp đỡ vì bị nghi ngờ và ít có thiện cảm. Đây cũng là một rào cản khiến cho những bạn trẻ ấy khó có khả năng hòa nhập cộng đồng. Chị gửi gắm: “Không phải ai lạc đường cũng được may mắn như tôi. Tuy nhiên, khi nhận được sự hỗ trợ, chính bản thân mỗi người cũng phải tự chống tay đứng lên, chứ không ai có thể ẵm mình hoài được”.


Diễn viên - đạo diễn Việt Trinh tại diễn đàn

Không thiếu, không hiếm

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, lòng tốt không thiếu, không hiếm trong cuộc sống hiện nay. Điều quan trọng là phải khơi dậy, tạo điều kiện để phát huy lòng tốt. “Có khi các em học sinh muốn giúp đỡ người khác nhưng thiếu kỹ năng nên không biết làm sao. Do đó, việc giáo dục trong gia đình và nhà trường là rất cần thiết”, bà Thảo nhìn nhận.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Lê Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM, lưu ý: “Mặc dù có hiện tượng lòng tốt bị lợi dụng nhưng không phải vì vậy mà chúng ta ngưng làm việc thiện. Tuy nhiên, chúng ta nên thể hiện lòng nhân hậu của mình một cách thông minh hơn”. 
Đại diện Câu lạc bộ Trái tim thiên thần - một sân chơi hiện quy tụ hơn 2.200 thành viên cộng đồng mạng tham gia những hoạt động thiện nguyện - anh Võ Quang Hoàng, Chủ nhiệm câu lạc bộ, nhắn nhủ: “Lòng tốt không phải là hiếm. Hãy tận dụng các công cụ mạng để kết nối, lan truyền và chia sẻ lòng nhân ái trong giới trẻ”. Anh Hoàng đúc kết, chính những hoạt động thực tiễn như đến thăm những mảnh đời bất hạnh tại các mái ấm, nhà mở, bệnh viện..., cư dân mạng có cơ hội trải nghiệm để thấy mình sống có ích và may mắn hơn những số phận khác.

Nhà báo Tố Oanh (Báo Tuổi Trẻ), đại diện chương trình “Ước mơ của Thúy”, kêu gọi mỗi người hãy làm việc tốt trong từng giờ. Chị cho rằng lòng tốt như một chất keo làm kết dính nhiều người, để từ đó lòng tốt càng có sức cộng hưởng mạnh mẽ.

Dẫn câu chuyện cảm động về hai đứa trẻ nhường nhau trên đường đua, TS tâm lý Trần Thị Giồng nói: “Lòng tốt không những là cho mà còn bằng việc nhường nhau. Có nhiều cách bày tỏ lòng tốt như sự tôn trọng hay có khi chỉ là một lời động viên, khích lệ, tạo điều kiện để người khác thể hiện bản tính thiện của mình…”.

Anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, tỏ ra tâm đắc với quan niệm của nhiều bạn trẻ trên mạng: Có hai thứ mà tham càng nhiều càng tốt, đó chính là kiến thức và lòng tốt. Theo anh Thông, lòng tốt không thiếu trong xã hội, có điều, những người làm việc tốt thường không muốn người khác biết về những việc làm của họ. Anh Thông nhấn mạnh: “Diễn đàn này mở đầu cho nhiều hoạt động của chúng tôi trong suốt hành trình khơi gợi, phát huy lòng tốt và hạn chế sự vô cảm. Qua các kênh thông tin, chúng tôi sẽ phát động mỗi ngày một việc tốt nhằm góp phần định hướng, tuyên truyền về lòng tốt cho mọi người, nhất là giới trẻ để lòng tốt càng ngày càng nhân rộng và có sức lan tỏa”.

Cần bổ sung chương trình giáo dục công dân

Theo tôi, chương trình giáo dục công dân ở trường đang có nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề giảng dạy đạo đức. Cả 3 năm THPT nhưng chỉ có một học kỳ dạy về đạo đức (học kỳ 2 của lớp 10). Thời lượng dạy như vậy là quá ít. Tôi mong muốn khi Bộ GD-ĐT xây dựng bộ sách giáo khoa mới, những người làm sách nên bổ sung chương trình giáo dục công dân một cách gần gũi và thực tế hơn, bởi giáo trình hiện nay rất hàn lâm và giáo điều.

Thầy Bùi Gia Hiếu
(Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM)

Quan niệm sai

Một số học sinh khá giỏi còn có quan niệm cho bạn quay cóp bài là thể hiện một tình bạn tốt. Các bạn ấy không nghĩ rằng làm như vậy là hại bạn, càng tập cho bạn tính ỷ lại. Song cũng có những bạn nhận thức điều này là sai nhưng vẫn không làm khác được, vì sợ bị nói xấu sau lưng, hoặc bị chống đối, thậm chí là bị tẩy chay... khiến học tập sa sút. Em mong muốn thầy cô tạo cho chúng em một môi trường học tập nghiêm túc, có nền nếp kỷ cương và phân tích thế nào là tốt, thế nào là xấu.

Thái Phương Thảo
(Học sinh lớp 10A1 Trường THPT Nhân Việt)

Như Lịch - Lê Thanh - Hạ Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.