Chẳng cần phải đặt chân đến Đà Lạt bạn cũng cảm nhận được vẻ đẹp lãng đãng, mờ ảo với khói sương, màu hoa, mây trời… và thấy mình như đang lạc bước vào chốn bồng lai, qua lời hát: “Ai lên xứ hoa đào, dừng chân, bước lần theo đường hoa. Hoa bay đến bên người, ngại ngần, rồi hoa theo chân ai. Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa. Lang thang trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương. Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên...”. Phải nói ngay, cái hay của bài hát chính là giai điệu và cách chơi chữ của tác giả, những cách đảo ngữ liên tục trong lời hát: “Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa. Lang thang trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương. Lạc dần vào quên lãng... lặng bước trong lãng quên” như từng đợt sóng, dâng trào trong lòng người hát.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Anh từng theo học trường Quốc học (Huế) và từng tham gia kháng chiến chống Pháp vào những năm đầu thập niên 1950 tại chiến trường Khu 4. Sau đó chàng từ giã núi rừng vào thành phố mù sương. Hoàng Nguyên vốn có năng khiếu về âm nhạc và hội họa giống như thần tượng của mình là nhạc sĩ Văn Cao. Chính vì mê Văn Cao, mê bài hát Thiên thai cũng như mê truyền thuyết Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi hái thuốc rồi lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh, nên khi sống giữa xứ mộng, Hoàng Nguyên cũng bị khung cảnh trữ tình mê hoặc, và anh viết Đường nào lên thiên thai: “Cầm tay em, anh hỏi: Đường nào lên thiên thai, đường nào lên thiên thai? Nơi hoa xuân không hề tàn. Nơi bướm xuân không hề nhạt.
Nơi tình xuân không úa màu bao giờ...”.
Ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên dạy Việt văn ở trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang nơi thượng tọa Thích Thiện Tấn (anh ruột của thầy Nhất Hạnh) làm hiệu trưởng. Với dáng người dong dỏng cao, mái tóc bồng bềnh, chàng nghệ sĩ - nhà giáo Hoàng Nguyên có ngón đàn guitar lả lướt và giọng hát trầm buồn, trông rất “phong trần, lãng tử” đã là thần tượng của bao cô gái xứ hoa đào, nhất là những nữ sinh trường Bùi Thị Xuân.
Năm 1956, chính quyền Đà Lạt tổ chức “thanh lọc” giới công chức. Hoàng Nguyên vốn không được lòng vị tỉnh trưởng vì anh đã từng tham gia trong hàng ngũ kháng Pháp, nên là đối tượng hàng đầu. Cảnh sát khám nhà Hoàng Nguyên, lôi ra khá nhiều nhạc kháng chiến, trong đó có cả bài Tiến quân ca của Văn Cao. Thế là Hoàng Nguyên bị đày ra Côn Đảo (1957). Vị chúa đảo mến tài chàng nghệ sĩ nên đã đưa chàng về tư dinh dạy nhạc và Việt văn cho con gái mình. Khi biết ái nữ của mình mang thai, để giữ thể diện, vị chúa đảo buộc Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện này nhưng trước hết ông ta vận động để Hoàng Nguyên được trả tự do (vì không thể gả con gái cho một người tù). Sau đó, Hoàng Nguyên được trả về đất liền và không trở lại Côn Đảo. Nhớ đến người yêu, Hoàng Nguyên viết ca khúc Cho người tình lỡ.
Còn về người con gái của vị chúa đảo, cô được gia đình đưa về Huế. Nàng sinh con ở đó. Một thời gian sau, Hoàng Nguyên cũng lần ra được manh mối và đã ra tận nơi gặp nàng. Nhưng, nỗi đau của một người bị tình phụ đã không thể hàn gắn được vết thương lòng. Và rồi, nàng cũng đã tìm thấy hạnh phúc bên người đàn ông của riêng nàng.
Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học ban Anh văn tại Đại học Sư phạm Sài Gòn dưới sự bảo trợ của ông bà Thị trưởng Phan Thiết (có tư thất ở Sài Gòn). Bà vợ ông thị trưởng là tài tử điện ảnh, do mến mộ tài năng và tính tình của Hoàng Nguyên nên nhận anh làm em nuôi, tiện thể dạy kèm cho cô con gái của ông bà tên Ngọc Thuận. Đó là một cô gái đài các, tính tình lãng mạn thích viết văn, làm thơ, viết báo... với bút danh Trưng Liệt Dung. Với gia đình ông bà thị trưởng, Hoàng Nguyên khởi đầu là em nuôi, rồi thành... con rể. Tuy đã “trong ấm, ngoài êm” nhưng mối tình với người con gái nơi đảo vắng vẫn day dứt trong tâm hồn chàng nghệ sĩ , anh viết những ca khúc Thuở ấy yêu em, Đừng trách gì nhau... trong thời gian này. Quả là lòng trần vẫn còn... mơ bướm hoa!
Nhạc của Hoàng Nguyên không chỉ là niềm tự hào của cư dân Đà Lạt mà với những ai yêu mến xứ Huế cũng không thể không say đắm với ca khúc Tà áo tím: “Một chiều lang thang trên dòng Hương giang, tôi gặp một tà áo tím. Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím sao luyến thương. Màu áo tím sao vấn vương… Mặc thời gian dìu đôi cánh biếc. Mặc dòng sông dịu nghiêng luyến tiếc. Mặc chiều thu buồn như hối tiếc…Người áo tím qua cầu, và áo tím phai màu. Để dòng Hương giang hờ hững cuốn nơi nào...”.
Tài hoa nhưng yểu mệnh, năm 1973, trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu, Hoàng Nguyên tử nạn do tai nạn giao thông tại Dốc 47, hưởng dương 41 tuổi, bỏ lại 1 vợ và 3 con.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chính là người được nhạc sĩ Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc.
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)