Lớp võ đặc biệt

05/05/2011 16:58 GMT+7

Nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến màn biểu diễn Aikido của những bạn trẻ bị mù, câm, điếc, Down tại giải thể thao Người khuyết tật (NKT) TP.HCM năm 2011.

Không thể thành có thể

Nhóm biểu diễn trên là học viên của võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan (Trưởng bộ môn Aikido thuộc Hội Võ thuật người khiếm thị TP.HCM). Nhớ lại thời điểm mở lớp dạy võ miễn phí cho NKT, cô Thanh Loan kể: “Năm 2005, tôi được đề nghị dạy võ cho người khiếm thị. Trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt này, tôi trằn trọc suy nghĩ trong nhiều đêm: 44 năm qua, mình đã quen dạy võ cho người sáng mắt, giờ làm sao dạy cho người mù đây?”. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp đứng lớp, cô ngạc nhiên nhận thấy nhiều bạn trẻ khiếm thị tiếp thu môn võ rất nhanh: “Chúng tôi tận dụng thính giác, xúc giác của các em bằng cách giải thích nhiều, sờ tay chân để làm mẫu. Các em không thấy khoảng trống trước mặt nên dạn dĩ trong những thế té ngã. Nhờ đó, càng tiến bộ vượt bậc”. Cô cho biết, hiện có không ít học viên mù đã lên đai nâu Aikido (chỉ xếp sau đai đen cao nhất).

 
Võ sư Thanh Loan đang hướng dẫn những học trò đặc biệt của mình - Ảnh: Như Lịch

Thời gian sau này, lớp Aikido tại Trung tâm TDTT Q.3 (số 2 Hồ Xuân Hương), TP.HCM do võ sư Thanh Loan phụ trách tiếp nhận thêm nhiều NKT khác. Mỗi thành phần học viên bị khuyết tật khác nhau là cả một thử thách lớn dành cho cô. “Với học viên câm điếc, tôi tưởng các em nhìn thấy được chắc là dạy dễ hơn. Nhưng tôi đã vấp phải khó khăn trong việc truyền đạt, tập trung sự chú ý của các em” - cô Loan chia sẻ. Quyết không đầu hàng, vị võ sư già tìm cách học một số ký hiệu ngôn ngữ thông dụng để “nói” với học viên khiếm thính. 

Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi. Tôi tin vào khả năng tiềm tàng tuyệt diệu của con người, cho dù họ là NKT. Hãy gõ, cửa sẽ mở!

Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, 65 tuổi

Đặc biệt, sàn tập võ này còn đón nhận những người thiểu năng trí tuệ, mắc hội chứng Down, trong đó có những trường hợp “chào sân” bằng những tình huống dở khóc dở cười. Võ sư Loan kể: “Do hạn chế trí não nên nhiều em thường học trước quên sau, có những lớp cả tháng trời mới học té được. Thậm chí, có em lúc đầu vào sàn tập là tìm chỗ khuất để... nằm, chỉ thò hai chân ra”. Dẫu vậy, nhiều bạn vẫn đến lớp đều đặn, kiên nhẫn tập luyện nên đã có những cải thiện đáng kể. Bùi Tất Thành, 17 tuổi, ngụ tại P.13, Q.10 được mẹ đưa đến lớp võ 3 buổi/tuần. Sau hơn 1 năm, Thành đã thực hiện khá nhuyễn một số kiểu té khó và đòn kỹ thuật trong Aikido. Thành còn được mời tham gia đợt biểu diễn Aikido quốc tế diễn ra từ 18 - 21.11.2010 tại Hà Nội. Nhìn Thành linh hoạt trên sàn tập, không ai ngờ chàng thanh niên này bị thiểu năng trí tuệ, lại bị di chứng bẩm sinh tổn thương dây thần kinh nói, tay cũng như chân bên phải đều rất yếu. 

Thế giới yêu thương

Mỗi lần cô gái Hà Thanh (21 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh) vào thế té ngã, lăn một vòng là đập tay xuống sàn ra chiều đắc ý, song ít khi tự mình đứng dậy. Những lúc đó, Quang Đạt (28 tuổi, học cùng trường văn hóa dành cho người thiểu năng trí tuệ với Hà Thanh) xăm xăm đi đến giơ tay đỡ cô bạn dậy. Đạt giải thích: “Học võ không phải để đi sinh sự, đánh lộn. Học võ là để rèn luyện sức khỏe, tự bảo vệ mình và bảo vệ những bạn yếu hơn…”. “Sao Đạt biết?” - tôi hỏi. Đạt nói ngay: “Trên tivi bảo vậy và cô giáo cũng dặn vậy đó”.

Theo võ sư Thanh Loan, Aikido là môn võ của tình thương. Mục tiêu cơ bản của những lớp này là giúp NKT biết cách té ngã không đau, nhằm giảm thiểu chấn thương. Cô cho hay, khi hướng dẫn cho học viên khuyết tật, nhất là những người bị thiểu năng trí tuệ, giáo viên phải hết sức tâm lý, biết cách gây thiện cảm trước. Tùy mức độ tiếp thu của học trò, cô chia lớp thành nhiều nhóm thay nhau tập xoay vòng. Chỉ mình cô là hướng dẫn suốt, nhiều khi đến mệt nhoài. Vậy mà lúc nào cũng nghe những lời ngọt ngào động viên của cô: “Con giỏi quá!”, “Hôm nay con tập rất tốt!”…

Sau 6 năm đứng lớp, võ sư Loan đã dạy Aikido miễn phí cho hơn 100 thanh thiếu niên khuyết tật. Số học viên đang trụ lại ở các lớp là 70 người, trong đó có khoảng 20 người Down. Hiện cô đang vận động thành lập cơ sở “Aikido - thế giới là yêu thương” để thu nhận nhiều học viên khuyết tật hơn nữa. Vị võ sư 65 tuổi - người phụ nữ Việt Nam thứ nhì đã đạt đến đẳng Shodan  (tức huyền đai quốc tế Aikikai ) cách đây gần nửa thế kỷ - bày tỏ: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi. Tôi tin vào khả năng tiềm tàng tuyệt diệu của con người, cho dù họ là NKT. Hãy gõ, cửa sẽ mở!”.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.