Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra, phát hiện 3 thùng carton lá khô, trọng lượng 34 kg. Qua giám định cho thấy lá khô này là lá "khat" (tên khoa học Cathaedulis, mọc nhiều tại vùng Trung Đông, Ả Rập và châu Phi) có chứa thành phần Cathinone và Cathine là 2 chất dùng để điều chế ma túy tổng hợp mới, tên gọi là Flakka đang thịnh hành tại nước ngoài. Tuy nhiên, lá "khat" chưa nằm trong danh mục các chất ma túy theo quy định của pháp luật, nên khó khăn trong việc xem xét, xử lý.
Sau đó, cơ quan chức năng ở TP.HCM cũng bắt 4 vụ lá “khat” khô nhập từ châu Phi và 1 vụ xuất đi Mỹ, tổng trọng lượng hơn 2 tấn, trị giá khoảng 2,2 triệu USD. Công an tỉnh Tuyên Quang cũng bắt giữ một vụ, thu giữ các gói nhỏ lá cây xay vụn, giám định phát hiện có chất AMB-Fubinaca, là chất mới trong nhóm cần sa tổng hợp, có tác dụng gây ảo giác.
tin liên quan
Ma túy biến hình - Kỳ 1: 'Bùa lưỡi' rình rập giới trẻ Sài GònMa túy được tẩm trong những miếng giấy như đồ chơi và nhắm đến giới trẻ, đặc biệt là học sinh, với cái tên tưởng chừng vô hại như 'bùa lưỡi', 'tem giấy'...
|
Thiếu phương tiện kiểm tra hiện đại
Bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết hiện nay tình trạng sử dụng chất ma túy tổng hợp khá phổ biến. Đáng chú ý là việc sử dụng các chất ma túy mới mà VN hiện chưa có phương tiện để xác định. Theo bác sĩ Hùng, hiện 2 hoạt chất chính con nghiện thường sử dụng đó là Mephedrone và Cathinone, được chiết xuất từ lá “khat”. Người sử dụng 2 chất này sẽ có cảm giác gần giống như sử dụng các chất ma túy khác: gây ảo giác, hoang tưởng, dễ kích động, khó kiểm soát hành vi. Sử dụng lâu dài sẽ làm biến đổi nhân cách, gây nghiện, thực hiện các hành vi nguy hiểm cho người khác.
tin liên quan
Ma túy biến hình - Kỳ 2: Cạm bẫy 'cỏ Mỹ'Ít ai biết tác hại khủng khiếp của 'cỏ Mỹ' - một loại ma túy biến hình.
Theo bác sĩ Hùng, các loại ma túy mới hiện nay như muối tắm, tem lưỡi (bùa lưỡi)... thực chất cũng được tẩm một trong hai hoạt chất trên, hoặc cả 2 chất. “Các loại ma túy mới này rất nguy hiểm, không kém các loại cần sa, ma túy tổng hợp khác nhưng điều đặc biệt là cả 2 hoạt chất này không phát hiện được bằng các biện pháp thử thông thường. Điều này gây khó cho cơ quan chức năng trong công tác phòng chống ma túy”, bác sĩ Hùng nói.
Cũng theo bác sĩ Hùng, để qua mặt cơ quan chức năng, người sản xuất ma túy còn có chiêu trò tẩm ướp Mephedrone và Cathinone vào các loại hỗn hợp lá cây, thảo dược khác nhau, gọi là cần sa tổng hợp, khiến việc phát hiện càng khó khăn hơn. “Quá trình tư vấn, tôi đã từng gặp nhiều phụ huynh đem các loại lá cây khác nhau mà con của họ đang sử dụng đến nhờ tư vấn, xem có phải là ma túy hay không. Thú thật, tuy làm chuyên môn nhiều nhưng bằng mắt thường tôi cũng không thể nhận biết được vì chúng chỉ là những hỗn hợp lá khô, không giống cỏ Mỹ hay lá cần sa thông thường, mà test thử cho con họ cũng không ra kết quả, dù con họ đang có các biểu hiện gần giống với người nghiện”, bác sĩ Hùng nói.
tin liên quan
Ma túy biến hình - Kỳ 3: Điên cuồng vì 'hàng đá'Con cắt cổ cha mẹ; chồng truy sát vợ; em cắt chân chị ruột... Những vụ án kinh hoàng nhất xảy ra gần đây đa số thủ phạm ra tay trong cơn 'ngáo đá'.
“Với biện pháp thử hiện nay (phổ biến là que thử 4 chân) chỉ phát hiện được Methamphetamin (ma túy đá), cần sa, MDMA (nhóm thuốc lắc), và ma túy dạng thuốc phiện (như heroin, morphine). Còn đối với những dạng ma túy mới có chứa Mephedrone hoặc Cathinone thì hiện VN chưa có dụng cụ để kiểm tra. Chỉ ở một số nước có sử dụng các que chuyên dùng mới kiểm tra được nhưng giá thành rất đắt đỏ”, bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng nói.
|
Chưa có trong danh mục, chưa được xem là chất ma túy
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng Phòng chống đấu tranh với tội phạm ma túy tổng hợp và tiền chất - Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an, cho biết không chỉ lá “khat” hay AMB-Fubinaca mà rất nhiều loại ma túy tổng hợp mới chưa nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành, cũng như chưa có trong danh mục các điều ước quốc tế về ma túy mà VN tham gia.
Ông Thiêm phân tích ma túy tổng hợp được sản xuất từ các loại tiền chất. Mỗi loại tiền chất có thể điều chế ra một chất ma túy tổng hợp mới. Tội phạm có thể tổng hợp một hoặc nhiều loại tiền chất khác nhau cho ra các loại ma túy mới, thậm chí cũng các loại tiền chất đó, nhưng pha trộn tỷ lệ khác nhau cũng cho ra các loại ma túy khác nhau nên ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều và cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Ông Thiêm cho rằng để khẳng định được đó là chất ma túy cấm sử dụng thì ngoài việc phân tích bản chất nó là chất ma túy thì nó còn phải nằm trong Nghị định số 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất; Nghị định số 126/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP; một chất ma túy nào đó trôi nổi hay ở nước nào đó mang về VN mà chưa có trong danh mục thì chưa được xem là chất ma túy.
tin liên quan
Ma túy biến hình - Kỳ 4: 'Muối tắm', ma túy đội lốt mỹ phẩmKhi ma túy đá đang bị truy quét, 'dân chơi' chuyển qua 'muối tắm' - một loại ma túy đội lốt mỹ phẩm.
Về công tác quản lý tiền chất ma túy hiện nay ở VN, một lãnh đạo Bộ Công an phân tích, Bộ Y tế quản lý 9 tiền chất, Bộ Công thương quản lý 31 tiền chất nhưng công tác quản lý tiền chất, tân dược gây nghiện hoặc tân dược có chứa chất gây nghiện chưa thống nhất, còn chồng chéo, lỏng lẻo, không quản lý đầu vào, đầu ra khiến tiền chất, tân dược gây nghiện còn trôi nổi nhiều trên thị trường, các đối tượng phạm tội lợi dụng, mua bán để sản xuất ma túy tổng hợp. Vị lãnh đạo này khẳng định, nếu công tác quản lý tiền chất hiệu quả thì sẽ hạn chế sự bùng nổ việc sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay.
Ông Thiêm cho biết Bộ Công an đang chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học - Công nghệ, các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó sẽ bổ sung thêm một số chất ma túy và tiền chất vào danh mục quản lý.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết thông thường ở nước ngoài khi phát hiện ra các chất ma túy mới chưa bị cấm cho đến khi các ngành chức năng, y tế vào cuộc phân tích chất đó gây tác hại như thế nào, thời gian trung bình mất gần 10 năm. Thời gian đó là nghiên cứu tại sao chất đó có hại? Hại đối với con người như thế nào? Sau đó đưa ra báo cáo, rồi hội đồng thẩm định đánh giá, cơ quan nhà nước bỏ phiếu thông qua... Chẳng hạn năm 1998 - 2000, “cỏ” Mỹ và muối tắm bán tràn lan ở Mỹ và châu Âu, trong các cửa hàng siêu thị, trạm xăng dọc đường... Đến năm 2013, tổng thống Mỹ ký lệnh hành pháp đưa “cỏ” Mỹ và muối tắm vào danh sách các chất ma túy đặt dưới sự quản lý của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ. 6 tháng sau, VN mới cấm cỏ Mỹ, muối tắm.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiển, “cỏ” Mỹ và muối tắm dù đã bị cấm nhưng hiện nay, các loại test nhanh hiện có ở VN vẫn chưa phát hiện ra nó, nên công tác phòng chống ma túy rất khó khăn.
Duy Tính
|
Bình luận (0)