Lũ uy hiếp vườn cây ăn trái

20/10/2011 09:47 GMT+7

Nước lũ từ đầu nguồn đang đổ về uy hiếp gần 300 ngàn ha vườn cây ăn trái vùng hạ lưu sông Mê Kông. Hàng ngàn ha vườn ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… bị ngập, nguy cơ thiệt hại đang lan rộng.

Ngập lũ tràn lan

Ông Nguyễn Văn Cường (xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung, Đồng Tháp) hổm rày mất ăn, mất ngủ do hơn 3 công quýt hồng đặc sản của ông đang bị ngập sâu. “Khi nghe tin lũ lớn gây vỡ đê vùng đầu nguồn, nhà vườn tụi tui ai cũng hì hục gia cố đê bao, sửa soạn máy bơm để phòng ngừa. Không ngờ lũ lớn quá, đê bao chịu không thấu. Cả vườn quýt bị ngập mấy tấc nước, vụ này coi như trắng tay”, ông Cường nói. Ông Trần Văn Hai (xã Tân Thành, H.Lai Vung) thì nói rằng, năm nay lũ lớn không thua trận lũ lịch sử năm 2000, khiến nhà vườn trở tay không kịp. Nhiều vườn quýt hồng đã bị nước lũ tràn vào, nhất là những diện tích nằm riêng lẻ, gần sông… không thể bảo vệ.

Theo báo cáo nhanh của Phòng NN- PTNT huyện Châu Thành (Đồng Tháp), hầu hết 6.200 ha vườn của huyện đều có đê bao. Tuy nhiên, sức công phá của lũ đã làm ngập trên 340 ha nhãn và cam ở các xã Tân Phú, Tân Phú Trung, An Nhơn, An Khánh… Ông Lê Văn Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, cho biết mặc dù được chính quyền và người dân chung sức bảo vệ quyết liệt, nhưng do năm nay lũ quá lớn khiến 5.319 ha vườn bị ngập, trong đó có 1.161 ha bị thiệt hại hoàn toàn.

 
Nước lũ tràn ngập hàng ngàn hecta vườn ở Đồng Tháp - Ảnh: An Lạc 

Tại Bến Tre, lũ  làm ngập trên 1.500 ha vườn cây ăn trái ở huyện Chợ Lách. Hơn 1.000 ha vườn ở Vĩnh Long cũng chịu chung số phận. Lũ phá vỡ và tràn 57 bờ bao ở Tiền Giang gây ngập nhiều diện tích vườn.  Tại Hậu Giang, nước lũ tấn công hàng ngàn ha vườn ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp… Theo ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, trong 4.711 ha vườn của huyện, thì 2.092 ha cây có múi cần được bảo vệ nghiêm ngặt, bởi nếu để nước lũ tràn ngập là cây sẽ chết tràn lan.

Dồn sức bảo vệ vườn

Trước áp lực của nước lũ, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã xem việc gia cố đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh huy động tổng lực ra sức gia cố hàng loạt tuyến đê giữ trên 45.000 ha vườn; 6 tuyến đê bao dọc sông Tiền vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng trên 30 tỉ đồng đang phải tiếp tục gia cố thêm những đoạn bị nước lũ tràn vào, hàng chục xáng cạp túc trực tại các điểm nóng để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố. Đối với diện tích vườn dọc sông Hậu cũng rất nguy cấp, trong đó gần 40 ha bưởi Năm Roi đặc sản ở xã Mỹ Hòa (H.Bình Minh) đã bị lũ tràn vào, phải gia cố gấp. Nhiều diện tích vườn nằm dưới mặt đê khoảng 1- 1,8 mét, do đó nếu bị vỡ đê sẽ khó cứu. Riêng cù lao Lục Sĩ Thành (H.Trà Ôn) còn căng thẳng hơn bởi hầu hết diện tích vườn thuộc dạng manh mún, nhỏ lẻ, bờ bao thấp. Chỉ cần lũ vượt báo động 3 là coi như  “bó tay”.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), nói rằng nếu mực nước lũ cuối tháng 9 âm lịch tới dâng cao thêm khoảng 2 - 3 tấc, thì trên 9.438 ha vườn của huyện sẽ bị ngập, gần 4.000 ha hoa kiểng cũng lâm nguy. “Hiện chính quyền và người dân các địa phương đang dồn sức gia cố đê bao và bơm rút nước bảo vệ vườn. Cái khó là phần lớn bờ bao thuộc dạng cục bộ, nhỏ, lẻ…do vậy, khả năng chống đỡ khi gặp lũ lớn rất kém”, ông Liêm nói.

 Trực tiếp kiểm tra tình hình chống lũ bảo vệ khoảng 67.000 ha vườn cây ăn trái của tỉnh, ông Trần Thế Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang, yêu cầu Ban chỉ huy PCLB, chính quyền địa phương và nhà vườn phải tập trung đặc biệt nhân lực, vật lực, áp dụng phương châm 4 tại chỗ kiên quyết giữ vườn. Bởi đây là thế mạnh nông nghiệp chủ lực của Tiền Giang, dù có tốn kém nhiều kinh phí cũng không để lũ gây hại.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nếu để vườn cây ăn trái bị ngập lũ, thiệt hại sẽ cao gấp nhiều lần so với lúa, chưa kể phải mất từ 5- 7 năm mới có thể khôi phục lại. Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp cho biết theo dự báo, khoảng cuối tháng 10 này, vùng hạ lưu sẽ xuất hiện đợt triều cường mới với đỉnh triều ở mức rất cao, có khả năng vượt báo động 3. Mực nước lũ ở ĐBSCL vẫn còn duy trì trên báo động 3 đến đầu tháng 11 và tình trạng ngập sâu sẽ tiếp tục kéo dài. Do đó, bảo vệ an toàn vườn cây ăn trái đang là nhiệm vụ quan trọng không thể xem thường.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.