Lúa rớt giá: nông dân chịu thiệt
Đến thời điểm này, ĐBSCL đã thu hoạch được gần 1 triệu ha lúa đông xuân và dự kiến sẽ thu hoạch trên 500.000 ha còn lại trong tháng 4 tới. Tuy nhiên, những ngày gần đây giá lúa đông xuân trong vùng giảm nhanh so với đầu vụ thu hoạch, mức giảm trung bình từ 500 - 700 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 1.900 - 2.250 đồng/kg.
Giá lúa giảm mạnh do phần lớn nông dân không có hệ thống bảo quản, trữ lúa nên họ phải bán gấp để không bị hư hỏng sau thu hoạch. Nông dân cũng cần tiền trang trải chi phí của vụ sản xuất nên đã bị thương lái ép giá. Vụ đông xuân này, sản lượng các tỉnh ĐBSCL ước đạt 9 triệu tấn, tăng hơn vụ trước khoảng 400.000 tấn.
Không chỉ lo giá giảm, nông dân ĐBSCL đang “sốt vó” vì thiếu nhân công thu hoạch lúa. Giá công thu hoạch tăng gấp 2 đến 3 lần so với bình thường. Riêng công đoạn cắt gặt, có nơi nông dân buộc phải thuê với giá 150.000 - 200.000 đồng/1.000m2, cao hơn mức trung bình 3 - 4 lần. Tình trạng thiếu nhân công thu hoạch lúa đã xảy ra từ nhiều năm nay, chủ yếu là ở vụ hè thu, nhưng vụ đông xuân năm nay lại thiếu trầm trọng.
Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp lại thu mua gạo cầm chừng vì thiếu vốn. Mới đây, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã hứa sẵn sàng đầu tư 4.400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay để mua hết lượng lúa hàng hóa của vụ đông xuân này với điều kiện các doanh nghiệp phải thế chấp bằng lượng gạo tại các kho.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng hứa sẽ xem xét cho vay tín chấp đối với từng doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay tình hình vay vốn của các doanh nghiệp vẫn chưa mấy sáng sủa. Công ty XNK Lương thực Long An là một ví dụ. Đơn vị này cần vay khoảng 300 tỷ đồng để mua lúa của dân, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ vay được vài chục tỷ đồng.
Công ty XNK Lương thực Trà Vinh cũng chỉ mới được ngân hàng cho vay 40-50 tỷ đồng. Chính vì vậy mỗi công ty kinh doanh gạo xuất khẩu chỉ có thể thu mua khoảng 50 tấn lúa/ngày thay vì 700-800 tấn lúa/ngày như trước. Việc gặp nhiều khó khăn về vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá xuất khẩu từ 2 đến 5 USD/tấn, mặc dù giá gạo trên thị trường thế giới đang tăng.
Lúa rớt giá do gạo xuất khẩu bị ép giá?
Theo Trung tâm Thông tin thương mại Bộ Thương mại, đến giữa tháng 3/2006, lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 857.000 tấn, dự kiến đến cuối tháng là trên 1 triệu tấn gạo, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2005. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng gạo phẩm cấp cao (5% tấm) lại bán thấp hơn giá thành và còn thấp hơn gạo thường (25% tấm) so với những hợp đồng ký trước đó. Vì sao lại có tình trạng này?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thời gian gần đây, thị trường gạo thế giới khá lắng đọng. Lượng gạo phẩm cấp cao loại 5% tấm vào một số thị trường truyền thống như Iraq, Iran… bị giảm, do gạo Thái Lan cạnh tranh mạnh. Ngoài ra, chất lượng gạo Việt Nam chưa đồng đều. Dù lượng gạo xuất khẩu tăng và lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu lên đến 1,9 triệu tấn, nhưng chỉ tập trung loại gạo thường và trung bình (15% tấm). Thị trường châu Phi sau khi nhập lượng gạo khá lớn vào cuối năm 2005, đến giữa năm nay mới có thể tiếp tục nhập gạo của Việt Nam trở lại.
Để thu hồi vốn, lãi và chi phí trồng trọt, bà con nông dân bán lúa ngay sau khi thu hoạch, trong khi đó không ít doanh nghiệp và nhà máy chế biến gạo xuất khẩu lại khống chế lượng mua vào do nguồn vốn mua dự trữ có hạn. Nắm được những yếu tố này, khách hàng nước ngoài đã ép giá với doanh nghiệp trong nước. Trước đây, gạo 5% tấm là 260 USD/tấn, nay có doanh nghiệp chỉ ký xuất khẩu với giá hơn 240 USD/tấn. Một nguyên nhân quan trọng khác là do doanh nghiệp thiếu vốn. Ngân hàng chỉ cho vay khi có L/C và số tiền cho doanh nghiệp vay lại giảm một nửa.
Ngày 14/3 vừa qua, tại cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ lúa đông xuân tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ nhận định: Năm nay, trên thế giới cung sẽ thiếu so với cầu, nên giá gạo sẽ biến động theo hướng tăng. Ông Ruệ đề nghị Chính phủ nên mua hàng dự trữ để điều hòa giá, cũng như mua dự trữ lương thực quốc gia vào thời điểm này. Ông Ruệ yêu cầu Hiệp hội lương thực Việt Nam phải kiểm tra chặt chẽ hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu giá thấp không có lợi so với giá trong nước, dứt khoát không cho xuất khẩu và thông báo cho hải quan, ngân hàng biết. Đối với doanh nghiệp, phải tiếp cận nguồn thông tin thị trường, hợp tác tìm kiếm thị trường để ký hợp đồng có lợi. Với ngân hàng, nên có sự hợp tác với doanh nghiệp xử lý những vấn đề cụ thể và cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện được vay vốn để mua hàng dự trữ cho xuất khẩu.
Vì vậy, Bộ Thương mại khuyến cáo bà con nông dân đừng vội bán ra khi thấy giá giảm, một phần làm giảm áp lực về giá trên thị trường. Các doanh nghiệp cũng không nên vội ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài nếu gặp giá thấp. Ngân hàng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với tài sản thế chấp là gạo trong kho.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), chỉ trong 2 tháng rưỡi đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được trên 860.000 tấn gạo trị giá gần 214 triệu USD với giá xuất khẩu bình quân đạt 249 USD/tấn. Mặc dù đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 6 USD/tấn nhưng vẫn chưa tương xứng với mức tăng của thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Bộ Thương mại nhận định, năm 2006 xuất khẩu gạo nhìn chung vẫn tiếp tục thuận lợi. Nhu cầu về gạo cao cấp không thể giảm nếu không nói là xu hướng sẽ tăng cao, kể cả thị trường châu Á - Thái Bình Dương như Indonesia, Philippines… Trong khi đó, chỉ Việt Nam và Thái Lan là có lượng lớn gạo cấp cao. Vì vậy, giá lúa, gạo thời gian tới khó có thể giảm, nếu không nói là giá xuất khẩu còn có thể cao hơn năm 2005. |
Theo Trần Minh Trường/báo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)